Bắt đầu từ đam mê và dám nghĩ dám làm, 7 năm trước anh Học đã mượn 1 triệu đồng từ một người bạn và bắt tay nuôi 1 hồ tép kiểng đầu tiên. Sau nhiều năm tích luỹ từ chi phí lợi nhuận, cứ thế anh tiếp tục đầu tư và hồ nuôi tép kiểng của anh cũng theo đó tăng dần lên. Đến nay anh Học đã sở hữu 50 hồ nuôi tép kiểng lớn nhỏ với tổng kinh phí đầu tư hơn 50 triệu đồng.
Anh Học cho biết: “Nuôi tép kiểng không chỉ để trang trí mà đa số người chơi vì đam mê. Nhu cầu giải trí với thú vui tao nhã này hiện đang được người chơi ưa chuộng và ủng hộ. Vì vậy nếu đã đam mê và có chút “máu kinh doanh” sẽ dễ đạt được kết quả tốt”. Nếu người chơi sở hữu những đàn tép kiểng nhiều màu sắc, bơi lội trong các hồ thủy sinh sẽ giúp không gian sống của gia đình mình sống động hơn rất nhiều. Tép kiểng hiện nay có khá nhiều loại và phổ biến là tép đỏ, tép vàng, tép rili, tép ong đen, tép blue pearl (tép xanh dương)… mỗi loại có mỗi đặc tính và màu sắc khác nhau. Hiện anh Học đang nuôi giống tép kiểng chủ yếu là tép ong đỏ, tên tiếng anh là crystal red.
Mô hình tép kiểng của gia đình anh Tiến Học.
Tuy mới gắn bó với nghề 7 năm nay, nhưng nghề này đã giúp anh Học tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Ngoài giá trị kinh tế, lúc rảnh ngồi ngắm những đàn tép đủ màu sắc thi nhau bơi lượn, giúp anh cảm thấy vui vẻ, thư thái hơn sau những giờ lao động mệt nhọc. Có lẽ chính niềm vui trong việc nuôi tép kiểng đã giúp anh có động lực tìm hiểu và học hỏi nhiều kinh nghiệm từ sách báo, internet và từ những mô hình đi trước.
Khi đề cập đến kinh nghiệm nuôi tép kiểng, anh Học vui vẻ chia sẻ: Chơi tép kiểng là chơi nước. Vì thế điều quan trọng là phải hiểu rõ nguồn nước. Hiện mỗi gia đình đều sử dụng nước máy, nên khi nuôi tép kiểng phải biết xử lý lượng clor, độ pH của nước máy, nếu không xử lý tép sẽ dễ bị chết. Còn nếu sử dụng nước giếng để nuôi, ngoài việc chú ý độ pH còn phải chú ý hàm lượng oxy ít, thậm chí một số nơi nước bị nhiễm phèn nặng thì cần phải xử lý kỹ hơn. Ngoài ra, kích thước hồ tép kiểng và số lượng tép nuôi cũng là một trong những đặc điểm cần quan tâm. Hồ nuôi cần phải rộng và thoáng, mật độ tép thả vừa phải, nếu mật độ tép dày sẽ làm thiếu oxy, nước nhanh đục và dơ, tép sẽ dễ chết… Cần đặc biệt lưu ý tép kiểng phải được nuôi trong môi trường lạnh khoảng 24 độ C”.
Với số lượng khách khá nhiều tìm đến, đã giúp anh mạnh dạn mở rộng mô hình cả về số lượng lẫn chất lượng. Cụ thể từ những ngày đầu chỉ có 1 hồ nuôi, đến nay anh có 50 hồ nuôi tép kiểng lớn, nhỏ khác nhau, mỗi tháng sau khi trừ chi phí, anh thu lãi từ 25 – 30 triệu đồng.