Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 đưa vào vận hành đã gây nhiều xáo trộn đối với đời sống của người dân ở địa phương. Đến nay, tình hình động đất đã lắng xuống, nhưng để ổn định cuộc sống cho người dân tái định cư nơi đây luôn là nỗi trăn trở của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. "Người dân không thể chỉ sống bằng tiền đền bù của nhà đầu tư. Và nhà đầu tư cũng không thể kéo dài việc trợ cấp gạo hằng tháng cho người dân tái định cư thủy điện được". Đây là điều được đặt ra trong nhiều cuộc họp, hội nghị quan trọng của huyện... Qua nhiều lần thảo luận, bàn bạc, cuối cùng, huyện Bắc Trà My đã đưa ra nhiều chính sách, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Trong đó, chủ trương nuôi cá nước ngọt được người dân hưởng ứng tích cực.
Qua hai năm triển khai, đã có hàng chục hộ dân tại các khu tái định cư ở xã Trà Tân, Trà Đốc, Trà Sơn... đầu tư nuôi cá lồng bè trong lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Bắc Trà My Huỳnh Ngọc Thiệu cho biết: Vào đầu năm 2013, với số tiền hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng của Phòng NN và PTNT, thông qua việc vay vốn không lãi suất để đầu tư làm lồng bè, chi phí thức ăn, cá giống... đã có sáu hộ dân trong huyện tham gia nuôi cá diêu hồng (còn gọi là cá điêu hồng) trong lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Tạ Thị Én ở xã Trà Sơn cho biết, với năm nghìn con cá giống được thả nuôi trong vòng năm tháng, gia đình bà đã thu được hơn mười tấn cá thịt, với tiền lãi hơn 60 triệu đồng. Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, sau khi thả nuôi sáu lồng cá ở vụ đầu tiên cho thu nhập khá, gia đình bà tiếp tục đầu tư mở rộng nuôi hàng chục lồng cá diêu hồng và đã cho thu nhập khá ổn định.
Từ kết quả của mô hình nuôi thí điểm ban đầu, đến nay, huyện Bắc Trà My đã có hơn 20 hộ đầu tư nuôi cá nước ngọt, với số lượng gần 100 lồng. Từ khi đưa cá diêu hồng, trê lai, rô phi vào nuôi trong lòng hồ thủy điện, người dân tái định cư đã có thêm việc làm và có khoản thu nhập mới. Nhờ đó, cuộc sống nhiều hộ gia đình người dân tộc Ca Dong nơi đây đã được cải thiện. Tại xã Trà Tân, ngoài những bè cá nuôi được Nhà nước hỗ trợ vốn, thời gian qua, nhiều gia đình có điều kiện đã tự đầu tư vốn nuôi cá trong lòng hồ và thu được kết quả khá cao. Ông Đỗ Văn Nên phấn khởi: Vào giữa năm 2013, gia đình ông bắt đầu làm bè và thả nuôi cá diêu hồng trong lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2. Cá lớn rất nhanh, sau thời gian khoảng năm tháng, ông bắt đầu thu hoạch lứa đầu tiên, mỗi con đạt trọng lượng đến 1,5 kg. Để có nguồn thu nhập ổn định, ngoài việc nuôi cá diêu hồng, ông Nên còn nuôi thí điểm cá trê lai, cá rô phi... theo kiểu quay vòng, xen kẽ. Ông tính nhẩm, đến nay, gia đình ông đã thu hoạch được bảy lứa cá nuôi, đạt sản lượng gần 15 tấn, với doanh thu khoảng 700 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, ông đã thu hồi được 250 triệu đồng vốn đầu tư và bắt đầu có lãi. Nếu thời tiết thuận lợi, không dịch bệnh và giá cả ổn định, những vụ sắp đến sẽ mang lại thu nhập cao từ nuôi cá.
Để mô hình nuôi cá trong lồng bè lòng hồ thủy điện ổn định và bền vững, ngoài hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư làm lồng bè, huyện còn hỗ trợ 100% chi phí cá giống và tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi cá cho người dân. Mặt khác, các cơ quan chức năng ở địa phương đã trao đổi, làm việc với lãnh đạo Công ty Thủy điện Sông Tranh, đơn vị chủ Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được nuôi cá lâu dài trong lòng hồ thủy điện. Chị Hồ Thị Bông (dân tộc Ca Dong) ở xã Trà Đốc bộc bạch: Với số tiền vay không lãi suất từ ngân sách huyện hỗ trợ, tiền dành dụm được và mượn của người thân, gia đình chị đã bỏ hơn 100 triệu đồng để đầu tư sáu lồng nuôi cá diêu hồng. Mỗi lồng nuôi có thể tích nước 60 m 3, với mật độ 100 con/m3. Gia đình chị được Nhà nước hỗ trợ con giống, thuốc thú y và men vi sinh giúp cá sinh trưởng tốt và đang hứa hẹn một mùa thu hoạch bội thu.
Trong năm 2015, huyện Bắc Trà My tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân tái định cư là đồng bào dân tộc thiểu số nuôi cá để cải thiện đời sống với mức hỗ trợ ít nhất là 50% chi phí đầu tư lồng bè và nguồn thức ăn ban đầu. Theo kế hoạch, ngoài việc tổ chức nuôi cá trong lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My đang quy hoạch, mở rộng nghề nuôi cá trên lòng hồ chứa nước Rôn tại xã Trà Dương và một số nơi khác trên địa bàn. Khi dân số ngày càng tăng, diện tích trồng lúa nước bị thu hẹp thì việc khuyến khích, hỗ trợ người dân nuôi cá để tăng thu nhập, cải thiện đời sống là một việc làm năng động của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để nghề nuôi cá đem lại hiệu quả cao và không ảnh hưởng xấu đến môi trường, tỉnh Quảng Nam và huyện Bắc Trà My cần sớm có quy hoạch cụ thể về phát triển nghề nuôi cá nước ngọt ở khu vực miền núi; đồng thời qua đó, tổ chức, hướng dẫn người dân đầu tư nuôi cá theo hướng thâm canh, tạo mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ; tránh phát triển ồ ạt khi chưa có đầu ra ổn định.