Với nguồng giống cá chình tự nhiên sẵn có, người dân xung quanh đầm đã tận dụng có để phát triển nghề nuôi cá chình thương phẩm đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định. Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Bình Định thực hiện mô hình nuôi cá chình thương phẩm trong ao nước ngọt trên diện tích ao 500 m2 của anh Võ Thành Phúc tại xóm Cù Lao, thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ.
Anh Phúc được hỗ trợ 50% kinh phí về con giống, thức ăn, men vi sinh và các vật tư thiết thiết để triển khai mô hình. Đồng thời, anh được Trung tâm Khuyến nông cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi từ khâu lựa chọn con giống, cách cho ăn, chăm sóc, quảm lý môi trường nước, phòng trị bệnh,…
Anh Phúc cho hay: trước đây tôi đã nuôi cá chình nhưng chủ yếu từ kinh nghiệm thực tế của bản thân và học hỏi từ các hộ xung quanh. Khi được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn thực hiện mô hình, tôi mạnh dạn tham gia ngay. Quy trình kỹ thuật nuôi cá chình được chuyển giao rất đơn giản, căn bản và khoa học từ việc chọn con giống phải đúng tiêu chuẩn, đồng đều kích cỡ từ 100 gam/con trở lên, cá khỏe mạnh, không mất nhớt. Thức ăn phải chọn các loại cá tạp tươi sống, đảm bảo hàm lượng đạm từ 45 – 50%, thức ăn phải được rửa sạch và cắt ra vừa với kích cỡ miệng cá. Hằng ngày chỉ nên cho cá ăn 2 lần, vào lúc 6 – 7 giờ sáng và 5 – 6 giờ tối, cho thức ăn vào nhá để quản lý thức ăn dư thừa. Sau khi cho ăn, kiểm tra nhá, nếu sau 1 giờ mà cá ăn hết thì nên tăng lượng thức ăn; đồng thời phải thường xuyên theo dõi chất lượng nước để có biện pháp xử lý và phòng bệnh kịp thời.
Với số lượng 500 con giống thả nuôi vào tháng 3 năm nay, sau 9 tháng anh ước tính còn lại khoảng 465 con, trọng lượng trung bình 0,82 kg/con, tổng sản lượng cá chình là 381 kg. Sau khi trừ hết các chi phí như tiền giống, thức ăn, công lao động,… anh tính toán ước lợi nhuận thu được gần 70 triệu đồng. Anh Phúc cho biết thêm: tôi sẽ tiếp tục chăm sóc và theo dõi lứa cá này để có thể xuất bán vào gần dịp Tết Nguyên đán, chắc chắn lợi nhuận mang lại sẽ cao hơn so với hiện nay.
Việc áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi cá chình trong ao đất bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại khả quan, cá sinh trưởng phát triển tốt, giá trị thương phẩm cao. Ông Lê Việt Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Châu, chia sẻ: nguồn giống cá chình có sẵn tại địa phương được các hộ dân vớt, thu mua về ương dưỡng, thuần hóa, thích nghi với các yếu tố môi trường sinh thái, nên việc nuôi thương phẩm cá chình khá phù hợp cho bà con. Kết quả mô hình mang lại rất khả quan, từ các chỉ tiêu về kinh tế, kỹ thuật cũng như các tác động về mặt môi trường, xã hội.
Chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các hội đoàn thể tổ chức tập huấn, thông tin, tuyên truyền, vận động bà con nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm để phát triển nghề nuôi đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định và bền vững cho người dân.