Năm 2013, sau nhiều lần buôn bán hàu sữa, chị Ngân chợt nảy ra ý định chăn nuôi loại thủy sản này. Bởi, đây là loài động vật rộng nhiệt nên dễ thích nghi với các điều kiện khí hậu khác nhau. Loài này thường sống bám lên nền đá, vách đá ven bờ biển hoặc nơi cửa sông, nơi có dòng chảy và thủy triều thường xuyên lên xuống vì có thực vật phù du phong phú làm thức ăn. Hàu sữa dễ nuôi, chi phí đầu tư ban đầu thấp, thu nhập cao vì vậy đây được xem là mô hình kinh tế hiệu quả kinh tế cao.
Ban đầu, do nguồn vốn eo hẹp nên chị phải vay mượn người thân, ngân hàng được hơn 400 triệu đồng để mua giống và các vật dụng cần thiết để phục vụ sản xuất và xây dựng 12 bè hàu. Do trước đây người dân địa phương cũng nuôi nuôi hàu sữa theo cách truyền thống dài từ 7- 8 tháng nên thời gian dài và thả cùng lúc nên nhiều khi thị trường khan hiếm không có để bán, trong khi thu hoạch tiêu thụ không kịp sẽ dẫn đến thất thiệt cho ngư dân. Vì vậy, chị Ngân sử dụng nguồn nước sạch, lưu thông thường xuyên với dòng chảy nhẹ, nước màu xanh lục, có nhiều sinh vật phù du, để độ mặn nuôi hàu từ 20-30 phần nghìn.
Trong khi đó, giàn nuôi hàu luôn duy trì mực nước để tránh tình trạng khi thủy triều xuống thấp sẽ làm hàu dễ chết hoặc kém phát triển. Khu vực chị nuôi xa khu dân cư, ít thuyền bè qua lại để tránh tránh nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt.
Để mô hình nuôi hàu phát triển bền vững, chị Ngân đã thực hiện 2 phương pháp gồm: nuôi gối đầu và nuôi treo giàn, đối với nuôi gối đầu cứ mỗi lứa chị Ngân thả cách nhau khoảng 3 ngày. Như vậy, chị sẽ liên tục có hàu thương phẩm để bán, tạo nguồn thu hàng ngày và giảm việc chi phí đầu vào, điều tiết nguồn cung không để sản phẩm ứ đọng.
Đối với phương pháp nuôi treo giàn, chị Ngân xây dựng các giàn nổi trên mặt nước. Sau đó, dùng cước chuyên dụng để cột cố định hàu giống, mỗi dây thường nuôi 4 con, khoảng giữa các con hàu là 20 cm, treo mỗi dây cách nhau 30 cm, từ con cuối cùng cần cách đáy nước 2 mét, nguồn thức ăn cho hàu chủ yếu là chất tảo biển, phù xa. Cách nuôi này vừa dễ chăm sóc, theo dõi mức độ phát triển hàng ngày của con hàu và khi khai thác cũng thuận lợi, thương lái có thể tự chọn lấy những dây hàu ưng ý.
Bên cạnh đó, phương pháp này có ưu điểm là làm giãn mật độ hàu trên mỗi đơn vị diện tích, tiết kiệm không gian bề mặt và đặc biệt hơn là con hàu phát triển tốt nên rút ngắn thời gian nuôi xuống còn từ 5-6 tháng. Khoảng thời gian này cho phép người nuôi có thể thâm canh 2 vụ mỗi năm và như vậy thu nhập cao gần gấp đôi so với trước đây. Đối với hàu giống chị khai thác tự nhiên, mỗi năm có 2 vụ lấy giống, vụ chính từ tháng 3-4 âm lịch, vụ phụ từ tháng tháng 8-9 âm lịch.
Đến nay, mô hình nuôi hàu sữa đang giúp gia đình chị Ngân nâng cao thu nhập, từ những đồng vốn ít ỏi ban đầu, sau 2 vụ nuôi chị Ngân đã phát triển mở rộng mô hình lên 5.000 con hàu mỗi lứa trên diện tích 1.000 m2 giàn. Sản lượng hàu sau đạt trọng lượng từ 13-15 con/kg, sản phẩm luôn đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và được thực khách, các nhà hàng ưa chuộng. Trung bình chị Ngân bán 35.000 đồng/kg, mỗi năm thu lãi gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, sau khi đã thoát nghèo, chị Ngân còn giúp đỡ nhiều người dân quanh vùng hỗ trợ về kỹ thuật, cung ứng con giống và tiêu thụ sản phẩm để họ vươn lên thoát nghèo.
Theo ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hải Bình cho biết, nghề nuôi hàu đã có từ lâu tại các vùng cửa sông, nếu biết áp dụng khoa học kỹ thuật thì hiệu quả kinh tế lớn. Hiện gia đình chị Ngân, là hộ tiên phong trong việc xây dựng mô hình nuôi hàu sữa ở xã, đây cũng là hộ điển hình trong việc tìm tòi, sáng tạo, biết khai thác tiềm năng, thế mạnh, đa dạng hóa trong nuôi trồng thủy hải sản của địa phương để phát triển kinh tế gia đình, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.