Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 1149/TTg chỉ đạo về một số chính sách cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Theo đó, Thủ tướng giao Ngân hàng (NH) Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các NH thương mại Nhà nước thực hiện việc dãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay.
Đồng thời, tiếp tục cho vay mới với lãi suất thấp nhất (11%) cho các hộ gia đình, trang trại, HTX, doanh nghiệp phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt heo, thịt gia cầm; nuôi cá tra, chế biến cá tra xuất khẩu. Bảo đảm người sản xuất có lời
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng, Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, bảo đảm tiêu thụ cá tra với giá mua ổn định và có lợi cho người sản xuất. Tiếp tục có các giải pháp lâu dài để phát triển chăn nuôi heo, gia cầm, nuôi trồng thủy sản bền vững, bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho thị trường và nguyên liệu cho xuất khẩu.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành cần có chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng, các hiệp hội ngành hàng tiếp tục tìm kiếm thị trường, chỉ đạo tổ chức liên kết, hợp tác giữa nông dân với các doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; kịp thời kiến nghị cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, kể cả sửa đổi, bổ sung chính sách mới, nhằm phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hóa ổn định.
Còn theo NH Nhà nước, trong tuần đầu của tháng 8 này, các tổ chức tín dụng đã tiếp tục giảm lãi suất các khoản cho vay cũ về mức tối đa 15%/năm, đặc biệt có NH còn triển khai chương trình tín dụng quy mô 5.000 tỉ đồng với lãi suất 10%/năm với điều kiện là khoản vay VNĐ được bảo đảm theo giá trị USD và gắn với biến động tăng của tỉ giá VNĐ/USD không quá 1%.
Với hầu hết NH, lãi suất cho vay phổ biến trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ là 10%-13%/năm; lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác 12%-15%/năm. Lãi suất cho vay USD 5%-7%/năm (ngắn hạn), 6%-8%/năm (trung và dài hạn).Khó khăn gay gắt
Trước đó, Bộ NN-PTNT đã kiến nghị Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi, hỗ trợ thị trường. Bộ NN-PTNT cho biết 6 tháng đầu năm 2012, ngành chăn nuôi đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, gay gắt nhất là từ cuối tháng 3 đến nay. Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, chất cấm, giá sản phẩm chăn nuôi liên tục giảm và giảm thấp nhất kể từ 2 năm gần đây.
Điển hình là giá thịt heo hơi xuất chuồng tại miền Bắc giảm 53.000-54.000 đồng/kg trong tháng 1 xuống còn 42.000-43.000 đồng/kg trong tháng 6. Bộ NN-PTNT cho rằng với mức giá này, nhiều người chăn nuôi đang bị thua lỗ nặng, bình quân 1 kg heo hơi lỗ 6.000-8.000 đồng và 1 kg gà lỗ 5.000-7.000 đồng. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), TS Phạm Anh Tuấn, cho biết người dân và doanh nghiệp chế biến thủy sản đang gặp nhiều khó khăn về vốn, sự tác động từ thị trường. Trong khi đó, giá thu mua thủy sản luôn rơi vào cảnh bấp bênh.
Ông Tuấn lo ngại trong 6 tháng đầu năm, giá thu mua nguyên liệu giảm sâu ở hầu hết các mặt hàng chủ lực như cá tra, tôm nước lợ nhưng vẫn khó tiêu thụ, cộng vào đó là thời tiết bất lợi và dịch bệnh. Kể từ đầu năm, dịch bệnh ở tôm nuôi nước lợ đã diễn biến phức tạp, lan rộng ở nhiều địa phương, nhất là khu vực các tỉnh ĐBSCL.
Đề nghị khuyến khích chăn nuôi trang trại công nghiệp
Bộ NN-PTNT nhận định việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất chăn nuôi và thủy sản đang là nhiệm vụ cấp bách. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, bảo quản và chế biến thịt heo đông lạnh; xem xét thông qua chính sách hỗ trợ đổi mới chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững và khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại công nghiệp. Đồng thời sớm điều chỉnh Nghị định số 61/2010, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.