Mô hình ao nuôi tôm trên cát (Ảnh: Internet)
Theo đó, Trung tâm thực hành, thực tập nuôi trồng thủy sản tại xã Phú Thuận huyện Phú Vang với nguồn vốn đầu tư hơn 33 tỷ đồng đã đi vào hoạt động, nhằm phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với chính quyền các địa phương quy hoạch 30 ha vùng cát ven biển ở huyện Phong Điền để xây dựng trại sản xuất và dịch vụ cung ứng giống cho vùng nuôi tôm trên cát; đồng thời, củng cố hệ thống trại sản xuất và dịch vụ giống tôm sú tại huyện Phú Vang và Phú Lộc. Bên cạnh đó, tỉnh tiến hành giải tỏa 300 ha ao nuôi hạ triều vùng đầm phá; chuyển 237 ha nuôi tôm chắn sáo sang nuôi sinh thái kết hợp phục vụ du lịch. Đây là biện pháp tích cực để phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho bà con ở vùng ven biển và đầm phá...
Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ cho các địa phương đầu tư các công trình cấp nước ngọt cho vùng nuôi tôm trên cát, kênh thoát nước tự nhiên, hệ thống cấp và xử lý nước thải tập trung, hỗ trợ giải tỏa, sắp xếp để làm thông thoáng luồng lạch, vùng bảo vệ đê đầm phá và các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng đầu tư xây dựng ao nuôi, hệ thống cấp, thải nước từ kênh mương cấp, thoát nước cấp 2; đồng thời, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng bảo đảm các điều kiện cho việc áp dụng quy trình nuôi sạch theo tiêu chuẩn GAP....
Hiện tại, nhiều vùng nuôi tôm trên cát ở Thừa Thiên - Huế đã tiếp cận khoa học kỹ thuật mới trong việc phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 24.116 tấn, trong đó, tôm chân trắng 12.116 tấn, tôm sú đạt 3.000 tấn; các loại cua, cá nước lợ, nhuyễn thể... đạt 3.000 tấn và sản lượng thủy sản nước ngọt đạt 6.000 tấn.