Trước thực trạng đó, mô hình nghiên cứu phát dục và sinh sản của cá chiên tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) hứa hẹn mang đến cho bà con nguồn giống ổn định cùng quy trình chăm sóc bài bản.
Đến thăm trung tâm, nhiều người sẽ bất ngờ khi biết cá chiên có thể nuôi trong ao. Cá chiên có tên khoa học là Bagarius yarrelli, phân bố tự nhiên ở lưu vực sông Sêrêpôk, một nhánh chính của sông Mê Kông chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Đây là loài cá có trong sách Đỏ (mức đang bị đe dọa) của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) . Hiện nguồn lợi cá chiên bị khai thác quá mức và có nguy cơ tuyệt chủng.
Ở khu vực Tây Nguyên, cá chiên được ngư dân khai thác và bán với mức giá trên dưới 500.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ.
Ngoài ra, nhiều người ở Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái vào tận Tây Nguyên lùng mua cá chiên giống về nuôi. Cá giống được đánh bắt từ sông, suối khiến nguồn cá tự nhiên trở nên cạn kiệt.
Những năm gần đây việc xây dựng nhiều đập thủy điện trên sông Sêrêpôk làm ảnh hưởng đến môi trường sống, khiến loài cá chiên có nguy cơ bị xóa sổ.
Anh Lê Diệu, PGĐ Trung tâm cho biết, cá chiên sống ở tầng đáy sông suối, những nơi có nước chảy xiết và nhiều ghềnh thác. Đây là loài cá bắt mồi khá thụ động, ít di chuyển, do đó trong quá trình nuôi cần chăm sóc theo quy luật nhất định.
“Loại cá được đưa vào nuôi thử nghiệm có kích cỡ từ 1,5 - 2,5 kg/con được đánh bắt ở sông Sêrêpôk. Do nguồn cá được đánh bắt ngoài tự nhiên nên quá trình nghiên cứu chia làm hai giai đoạn là nuôi thuần hóa từ 3 - 4 tháng để cá thích nghi với môi trường nuôi nhốt. Sau đó chọn cá bố mẹ đưa vào nuôi vỗ để nghiên cứu phát dục và thử nghiệm sinh sản”.
Theo anh Diệu, đây là loài cá dữ, thức ăn của chúng chủ yếu là tôm tép, các loài cá nhỏ, côn trùng, ấu trùng… Do đó, quá trình nuôi thuần hóa sử dụng các loài cá tạp tươi sống làm thức ăn, sau đó tập dần cho cá ăn thức ăn chế biến. Cá chiên có tốc độ sinh trưởng chậm.
Theo các nghiên cứu trước đây, cá chiên tăng trưởng chậm trong những năm đầu, trọng lượng tăng nhanh sau năm thứ 3. Từ năm thứ 3 - 7, cá đạt khối lượng từ 0,7 - 1,2 kg/con và ở tuổi thứ 13 cá có thể đạt 30 kg/con, chiều dài tối đa 200 cm.
Hiện mô hình nuôi cá chiên ở huyện Đức Trọng trong giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị thử nghiệm cho sinh sản nhân tạo. Khi sinh sản thành công và SX được con giống thì tiềm năng để phát triển nuôi loài cá này khá lớn. Bởi đây là loài cá đặc sản, có kích thước lớn, thịt ngon, giá trị kinh tế cao, được thị trường nước ngoài ưa chuộng.
Sau hơn một năm nuôi thử nghiệm, cá chiên tỏ ra thích nghi với điều kiện nuôi tại Lâm Đồng, không ảnh hưởng đến các loài cá nuôi khác và quần thể cá trong tự nhiên của khu vực.