Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, tỉnh ta có lợi thế, tiềm năng rất lớn để phát triển trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và nuôi đại gia súc, gia cầm cũng như phát triển sản xuất nông sản sạch. Hiện toàn tỉnh đã có 8 sản phẩm hàng hóa được Bộ NN&PTNT, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học - Công nghệ công nhận chứng nhận tập thể và trên 100 cơ sở sản xuất nông sản, thủy sản được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Thực hiện chương trình hợp tác cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường giữa 2 tỉnh, thành phố, công tác xúc tiến thương mại trong nông nghiệp đã được 2 địa phương quan tâm và tích cực triển khai. Động thái rõ nét nhất là đã tổ chức cho các doanh nghiệp hai bên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin, giới thiệu năng lực nhằm ký kết các hợp đồng tiêu thụ nông sản sạch. Theo định kỳ, phía thành phố Hà Nội cung cấp nhiều thông tin bổ ích về chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, thông tin thị trường sản phẩm nông nghiệp và giá cả một số mặt hàng vật tư nông nghiệp, tổ chức các hội chợ, phiên chợ nông sản sạch có sự tham gia của các doanh nghiệp tỉnh ta.
Về phía tỉnh ta trong thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã giới thiệu 5 cơ sở tham gia hội chợ Tuần lễ giới thiệu Nông sản an toàn và chương trình địa chỉ xanh - nông sản sạch tại Hà Nội, đăng ký với Bộ NN&PTNT cho 2 cơ sở có địa chỉ bán sản phẩm nông - lâm - thủy sản đã được kiểm soát ATTP theo chuỗi. Đồng thời, xây dựng các mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Trong đó, chuỗi sản xuất rau hữu cơ Lương Sơn đã liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp của Hà Nội là Công ty CP đầu tư Tâm Đạt, Công ty TNHH Tràng An, công ty TNHH VinaGAP, Công ty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam. Cá lồng vùng hồ sông Đà được liên kết với các đơn vị: Thực phẩm sạch Hikifarm, công ty CP dịch vụ thực phẩm sạch Helomam, nhà hàng Đá Ong - 120, Thành Công, nhà hàng nổi Sông Hồng - Kiều gia, nhà hàng Toàn Thắng - 50 Hào Nam, nhà hàng Minh Trang - Hà Đông.
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, toàn tỉnh có trên 100 cơ sở sản xuất nông sản và thủy sản đủ điều kiện ATTP. Tuy nhiên mới có 7 có sở đang cung cấp cho Hà Nội, trong đó, sản xuất rau với tổng diện tích canh tác 57,6 ha, hơn 10 ha rau các loại được cấp giấy chứng nhận PGS, 172 ha cam Cao Phong và 9,9 ha rau su su, 200 lồng nuôi thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP, 2 chuỗi thịt chuyên cung cấp sản phẩm thịt lợn và thịt gà sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Vấn đề đặt ra là mặc dù có điều kiện phát triển sản xuất nông sản sạch nhưng sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh còn chưa đa dạng, sản lượng hàng năm, hàng vụ còn khiêm tốn và thấp so với lợi thế, tiềm năng. Thêm vào đó là sự liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nông dân còn lỏng lẻo, thiếu bền vững. Các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản và doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, thiếu doanh nghiệp đầu mối thu gom, phân phối cho thị trường thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Mặt khác, chưa có nhiều nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư về cơ sở hạ tầng, mở rộng diện tích sản xuất giúp hỗ trợ người sản xuất nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm. Yêu cầu về mẫu mã, chất lượng sản phẩm đưa vào siêu thị khắt khe hơn nhiều so với tiêu thụ tại chợ đầu mối nông sản nên sự liên kết giữa người sản xuất, cung ứng và các doanh nghiệp thu mua bị gián đoạn.
Để tăng cường hợp tác tiêu thụ nông sản sạch giữa hai địa phương đang triển khai giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là chương trình xúc tiến thương mại do đơn vị liên quan làm cầu nối cho các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thị trường tiến tới thỏa thuận liên kết. Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội tiếp tục cung cấp thông tin về các cơ sở cung ứng và tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội, giới thiệu sản phẩm sạch, an toàn của tỉnh tới các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn thu mua, tiêu thụ các sản phẩm an toàn. Đồng thời, hỗ trợ các nhà SX-KD của tỉnh tham gia các hội chợ triển lãm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiến tới đưa sản phẩm cá sông Đà vào danh sách đặc sản vùng, miền.