Thực hiện nghiêm cam kết, khắc phục toàn diện sự cố môi trường biển

Ngay sau khi Chính phủ công bố kết luận về sự cố môi trường biển vừa qua tại một số tỉnh ven biển miền trung, cán bộ và đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các chức sắc tôn giáo,… đánh giá cao và ghi nhận tinh thần trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc nỗ lực tìm ra nguyên nhân. Đặc biệt là việc mời các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia nước ngoài tham gia để xử lý trên cơ sở khoa học, khách quan, chính xác, không vội vàng.

ngu dan mien trung
Ngư dân các tỉnh miền trung luôn mong muốn được quan tâm, hỗ trợ để yên tâm bám biển.Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Tinh thần trách nhiệm cao

Qua việc xử lý sự cố này cho thấy, không hề có chuyện bỏ qua hay cho “chìm xuồng”, như lời vu cáo của một số kẻ xấu lợi dụng chuyện môi trường biển ô nhiễm, để lôi kéo người dân gây rối, làm mất an ninh trật tự ở các địa phương. Trước những chứng cứ xác đáng, trên cơ sở khoa học, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố và có giải pháp khắc phục hậu quả.

Hiện tượng cá chết bất thường thời gian qua ảnh hưởng rất nghiêm trọng, không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai, vì vậy, người dân mong muốn Chính phủ cùng các bộ, ngành T.Ư và chính quyền địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sâu rộng hơn; tích cực tham gia giám sát việc thực hiện các cam kết của Công ty FHS. Trước hết, có sự chung tay khắc phục hiểm họa về môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi biển, khôi phục nghề đi biển, giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên của người dân; có thêm các chính sách hỗ trợ hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do hiện tượng hải sản chết bất thường.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) Võ Văn Hưng đánh giá: Là người dân sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp, chúng tôi nhận thấy, sau khi sự cố ô nhiễm môi trường xảy ra, cùng với việc thực hiện các biện pháp cấp bách hỗ trợ người dân ổn định đời sống, Chính phủ đã huy động sự vào cuộc của các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học trong và ngoài nước để nghiên cứu, xác định và đã tìm rõ nguyên nhân, tác nhân gây ra hiện tượng nói trên. Chính phủ đã tỏ thái độ hết sức rõ ràng, kiên quyết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định: Bất cứ cá nhân, tổ chức nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm trước pháp luật. Vì vậy, bà con nhân dân, nhất là ngư dân và những người tham gia hoạt động thu mua, chế biến hải sản hết sức ủng hộ quan điểm, chủ trương của Chính phủ. Chúng tôi cũng vận động bà con phải hết sức tỉnh táo, luôn đồng hành, hợp tác Chính phủ, để bảo vệ quyền lợi, sinh kế lâu dài, tránh bị kẻ xấu kích động, tụ tập gây rối, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự và môi trường đầu tư của chúng ta.

Hòa thượng Thích Đức Thanh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế bày tỏ: Vừa qua, chúng tôi hết sức đau lòng trước hiện tượng cá chết bất thường ở vùng biển các tỉnh miền trung. Nhà Phật quan niệm, mọi chúng sinh đều có phật tịnh, chúng tôi không đồng tình với những việc làm hủy diệt môi sinh, môi trường biển, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bà con ngư dân. Đặc biệt, điều mà chúng tôi rất mừng là từ khi xảy ra sự cố đến nay, Đảng và Chính phủ đã nỗ lực tìm ra nguyên nhân để giải quyết, bất cứ ai làm, nhân tố nào gây nên hậu quả đều phải chịu trách nhiệm trước dân. Bên cạnh đó, Chính phủ tập trung vật lực và tài lực, các biện pháp hỗ trợ, chăm lo cho ngư dân. Đó là điều những tăng ni, phật tử như chúng tôi cũng thấy mừng, nhân dân phấn khởi, ủng hộ sự quyết tâm, tích cực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các ban, ngành trước sự cố trên. Chúng tôi mong muốn các nước có biển, vùng ven biển và có chủ quyền trên biển cần gìn giữ môi trường biển trong lành, không được có bất cứ hành động nào làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh, môi trường. Nếu làm tốt việc này, hy vọng sẽ kiến tạo được một thế giới hòa bình, an lạc.

Ông Hoàng Yên Định, Tổng Thư ký Hiệp hội nghề cá Việt Nam kiến nghị: Chính phủ và các bộ cần quan tâm thực hiện việc đền bù và hỗ trợ bà con ngư dân bị thiệt hại, đơn vị gây ra sự cố có biện pháp đền bù thỏa đáng cho bà con nông, ngư dân, những người trực tiếp và gián tiếp bị thiệt hại do sự cố ô nhiễm; chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt việc thực hiện đền bù cho ngư dân. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng đánh giá về khả năng khôi phục nguồn lợi thủy sản và môi trường nguồn nước trong vùng, để hướng dẫn các địa phương khôi phục sản xuất, tổ chức công bố điều kiện phục hồi sản xuất đánh bắt, nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành có chính sách khôi phục sản xuất, ổn định đời sống lâu dài cho ngư dân và phát triển kinh tế thủy sản tại các địa phương.

Khắc phục triệt để sự cố

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết: Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời các chính sách để hỗ trợ ngư dân, người lao động trên biển và người kinh doanh dịch vụ sớm ổn định cuộc sống. Cụ thể là Quyết định 772/QĐ-TTg ngày 9-5-2016 và Quyết định 1138/QĐ-TTg ngày 25-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường. Đồng thời, có kế hoạch ban hành các chính sách phát triển sinh kế cho các địa phương ven biển bị ảnh hưởng, có tính lâu dài và có tính chiến lược, nhằm ổn định tình hình, phát triển kinh tế của người dân,...

Thạc sĩ Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng khẳng định: Dư luận sẽ không đánh giá việc công bố kết luận sự cố của Chính phủ là muộn hay sớm, bởi điều đó không quan trọng bằng việc chúng ta có quá trình nghiên cứu, phân tích một cách cẩn trọng, để không chỉ tìm ra nguyên nhân, mà còn xác định rõ thủ phạm, từ đó có cách khắc phục đúng đắn. Vì vậy, tôi cho rằng, rất thuyết phục khi Chính phủ công bố được kết luận thật sự có cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, để tất cả đều “tâm phục, khẩu phục”. Và sau đó, điều quan trọng là chỉ đạo của Chính phủ về việc môi trường được khắc phục ra sao? Người dân được hỗ trợ để ổn định cuộc sống, sản xuất như thế nào? Theo tôi, Chính phủ cần sớm ban hành giải pháp để khắc phục, kiên quyết không để xảy ra những sự cố môi trường biển như vừa rồi. Về lâu dài, Chính phủ có sự điều chỉnh nhất định về chính sách đối với việc thu hút đầu tư vùng ven biển, để bảo đảm được ba yếu tố quốc phòng - kinh tế - môi trường sinh thái. Đối với ngư dân bị ảnh hưởng, Chính phủ nên có chính sách khuyến khích đánh bắt xa bờ, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, để ngư dân nâng cấp, đóng mới tàu thuyền vỏ thép, khai thác thủy sản vùng biển xa, như ngư trường truyền thống ở Trường Sa, Hoàng Sa.

Cùng chung quan điểm, Phó Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng) Phan Thị Hiền cho rằng: Việc xác định nguồn ô nhiễm hay nguyên nhân gây ô nhiễm là một vấn đề hết sức phức tạp. Chúng ta cần đồng tình và ghi nhận quy trình thực hiện của các cơ quan chức năng. Từ khi xảy ra sự cố cho đến khi có kết luận chính thức, các nhà khoa học, cơ quan quản lý từ T.Ư đến địa phương đều đã được huy động vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao. Suốt một thời gian dài, họ đã bám sát thực địa, lấy mẫu, phân tích để đưa ra kết quả chuẩn xác nhất. Kết quả còn được tham vấn từ các hội đồng khoa học để phản biện, nhằm tránh sai sót. Chính sự tuân thủ quy trình cẩn trọng, đầy trách nhiệm này đã đem lại kết quả chặt chẽ, khoa học, có đầy đủ cơ sở pháp lý, đủ lập luận để thuyết phục các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đại diện tiếng nói của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Anh Tuấn đánh giá: Quan điểm, đường lối của Đảng đã được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn. Cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, đều phải quán triệt quan điểm phát triển bền vững trên. Chúng ta không thể thu hút FDI bằng mọi giá, bởi kinh phí bỏ ra để khắc phục những hậu quả về môi trường do đầu tư gây ra, còn lớn hơn rất nhiều những lợi ích mà đầu tư đem lại. Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi vi phạm, không ai có thể đứng ngoài vòng pháp luật. Qua sự cố Formosa, cần phân định rạch ròi chức năng thẩm định các dự án FDI quy mô lớn, trong đó, xác định rõ vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Việc thẩm định này đã chính xác chưa, và nếu chưa thì cần điều tra rõ nguyên nhân vì sao? Các cơ quan liên quan cần rút kinh nghiệm sâu sắc, có biện pháp khắc phục ngay. Đã đến lúc bảo vệ môi trường phải là hành động khẩn thiết. Với trách nhiệm của mình, VAFIE sẽ làm hết sức mình để các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam tuân thủ luật pháp Việt Nam. Đồng thời, kiến nghị tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, trong đó có việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách liên quan đầu tư nước ngoài, tăng cường thanh tra, kiểm soát các dự án đầu tư nước ngoài một cách chặt chẽ và khoa học,…

Xây dựng những sản phẩm du lịch mới

Sự cố gây ô nhiễm môi trường từ phía Formosa đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch các tỉnh miền trung. Ngay từ khi sự cố xảy ra, Tổng cục Du lịch đã nắm bắt thông tin và có chương trình hành động, hỗ trợ, cùng ngành du lịch địa phương và các doanh nghiệp khẩn trương đầu tư xây dựng những sản phẩm, những tuyến du lịch mới, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Ngành đã đa dạng hóa sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái, thể thao dã ngoại khám phá hang động, bởi các tỉnh miền trung có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn và tự nhiên, với hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, các danh lam thắng cảnh, rừng núi, hang động rất lớn chưa được khai thác tương xứng. Đây là hướng đi tình thế trước mắt, nhưng cũng là giải pháp lâu dài cho ngành du lịch. Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam)

Có chế tài quản lý nghiêm việc xả thải

Liên đoàn Lao động TP Đồng Hới (Quảng Bình) có hai nghiệp đoàn nghề cá với gần 500 đoàn viên. Sự cố môi trường đã khiến đời sống của hàng nghìn lao động nghề cá trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo, điều tra rõ nguyên nhân và công bố rộng rãi để người dân biết, từ đó có các giải pháp để hỗ trợ phát triển nghề cá, ổn định đời sống người dân. Chúng tôi kiến nghị, ngay sau khi công bố nguyên nhân, Chính phủ cần yêu cầu Công ty FHS tiến hành tẩy rửa chất độc để trả lại môi trường sinh thái biển an toàn như vốn có; đồng thời có các chế tài quản lý nghiêm việc xả thải đối với nhà máy ven biển, tuyệt đối không để tái diễn hiện tượng tương tự. Trương Thanh Bình, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đồng Hới (Quảng Bình)

Báo Nhân Dân, 01/07/2016
Đăng ngày 01/07/2016
Nhóm Phóng viên
Môi trường

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến năng suất nuôi thủy sản tại vùng ven biển Việt Nam

Biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng mạnh đến ngành nuôi trồng thủy sản ven biển Việt Nam, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lớn, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn và nhiệt độ nước biển tăng cao trong năm 2023-2024. Những tác động này không chỉ làm suy giảm năng suất và sản lượng thủy sản, mà còn đe dọa sinh kế và an ninh kinh tế của người dân ven biển.

Nuôi trồng thủy sản
• 09:53 05/11/2024

Bảo vệ, phòng chống thiệt hại thủy sản nuôi trong mùa mưa bão

Bão lũ tác động trực tiếp đến các hoạt động nuôi trồng thủy sản, gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Ao tôm
• 10:02 31/10/2024

Nguồn nước ở khu nuôi ô nhiễm nghiêm trọng

Ô nhiễm nguồn nước trong khu vực nuôi tôm đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng và ngày càng gây lo ngại cho nhiều người nuôi tôm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm mà còn làm giảm năng suất, tăng chi phí nuôi và gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi.

Nước ô nhiễm
• 09:49 30/10/2024

Giải pháp kiểm soát giá giống thủy sản sau bão

Sau mỗi cơn bão, việc kiểm soát giá giống thủy sản trở thành vấn đề nóng, khi giá cả thường tăng cao do tình trạng đầu cơ và nguồn cung bị gián đoạn.

Nuôi tôm thẻ
• 09:47 24/10/2024

Xu hướng tôm sinh thái: Tiềm năng mở rộng thị trường châu Âu và Mỹ

Trong bối cảnh người tiêu dùng tại Châu Âu và Mỹ ngày càng quan tâm đến sức khỏe và môi trường, tôm sinh thái nổi lên như một lựa chọn bền vững trong ngành thủy sản. Sản phẩm này không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, mà còn mang đến lợi ích rõ rệt cho sức khỏe.

Tôm sú
• 07:59 08/11/2024

Quy định truy xuất nguồn gốc từ Châu Âu: Cơ hội hay thách thức cho thủy sản Việt Nam?

Trong những năm gần đây, thị trường châu Âu (EU) ngày càng thắt chặt các quy định về an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với ngành thủy sản nhập khẩu. Đối với Việt Nam, một trong những quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu vào EU, việc tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định này là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo sự hiện diện bền vững trên thị trường khó tính này. Vậy các quy định truy xuất nguồn gốc từ châu Âu là cơ hội hay thách thức đối với thủy sản Việt Nam?

Hải sản
• 07:59 08/11/2024

Bạch tuộc Dumbo: Sinh vật dưới nước độc đáo bơi bằng tai

Bạch tuộc Dumbo – một cái tên đáng yêu, đầy gợi nhớ đến chú voi biết bay trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Disney – là một trong những loài sinh vật độc đáo và quyến rũ nhất dưới đáy đại dương. Loài bạch tuộc này không chỉ nổi bật bởi ngoại hình dễ thương mà còn bởi cách di chuyển đặc biệt bằng "tai" của mình.

Bạch tuộc
• 07:59 08/11/2024

Cá mặt quỷ đỏ: Loài cá độc đáo của vùng biển nhiệt đới

Cá mặt quỷ đỏ (Scorpaena) là một trong những loài cá biển nhiệt đới độc đáo và nổi bật nhất với ngoại hình vừa ấn tượng vừa nguy hiểm. Được tìm thấy phổ biến ở các rạn san hô và khu vực biển nông của vùng biển nhiệt đới, loài cá này không chỉ gây ấn tượng bởi vẻ ngoài đáng sợ mà còn thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu cũng như người chơi cá cảnh đam mê tìm kiếm những loài cá lạ. Hãy cùng khám phá về cá mặt quỷ đỏ và lý do tại sao loài cá này lại đặc biệt đến vậy.

Cá mặt quỷ
• 07:59 08/11/2024

Lý do vì sao nên xét nghiệm EHP cho tôm giống?

Bệnh do vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) gây ra, khiến tôm chậm lớn và khó đạt kích thước tối ưu, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng tôm.

Tôm giống
• 07:59 08/11/2024
Some text some message..