Tại sao cá Candiru được ví như “ma cà rồng” ở Amazon?
Cá trê Candiru (tên khoa học: Vandellia Cirrhosa) là một loài cá da trơn, có nhiều gai nhỏ và có lối sống ký sinh thuộc họ Trichomycteridae. Chúng phân bố ở nước ngọt và có nguồn gốc ở lưu vực sông Amazon. Cụ thể, nơi sinh sống chủ yếu của cá Candiru là tại Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Peru.
Sự thật là cá Candiru chỉ quan tâm đến vẻ ngoài thơm ngon của con mồi. Ảnh: canaltech.com.br
Không có kích thước lớn (chỉ khoảng 20cm - 40cm), nhưng cá Candiru sở hữu một đặc điểm cơ thể rất đặc biệt, đó là cơ thể chúng gần như trong suốt hoàn toàn trong môi trường nước. Nhờ đó, chúng được “trời phú” cho khả năng ngụy trang và ẩn nấp kẻ thù hay con mồi cực đỉnh.
Sở dĩ, chúng được mệnh danh là “ma cà rồng” bắt nguồn từ việc có nhiều nhà thám hiểm rừng Amazon vào thế kỷ 19 và được nghe những câu chuyện từ cư dân bản địa về những loài vật quái dị tồn tại ở tận thẳm sâu khu rừng rộng lớn này, trong đó có chuyện liên quan đến Candiru.
Theo lời họ, loài cá này nhỏ bé là thế nhưng lại hết sức hung dữ, chỉ bằng một cú nhảy ngược dòng nước tiểu chúng đã có thể tấn công mà cụ thể là chui vào niệu đạo của “con mồi” khi họ đang tiểu tiện trên dòng sông Amazon.
Không chỉ vậy, chúng còn là kẻ chuyên đi hút máu những loài cá khác có kích thước lớn hơn chúng gấp nhiều lần bằng cách lách qua mang của con mồi và dùng răng bám chặt rồi hút máu.
Những sự thật về cá Candiru
Đến nay, thông tin loài cá Candiru có sở thích quái đản là hút máu những loài cá lớn hơn và kể cả con người cũng từng là nạn nhân của chúng vẫn còn gây ra không ít tranh cãi.
Loài cá này từng được cho là bị kích thích bởi amoniac hay vết rò rỉ urê nên chúng sẽ thường có xu hướng tấn công niệu đạo hay thậm chí là bộ phận sinh dục của nam và nữ. Do đó mà những cư dân sinh sống gần đó có một luật bất thành văn là không bao giờ được tiểu tiện xuống sông.
Cá Candiru có sở thích hút máu những con mồi lớn hơn chúng. Ảnh: g1.globo.com
Kể từ khi danh tính của cá Candiru lộ diện, nhiều nhà nghiên cứu đã bắt tay vào công cuộc truy rõ thực hư việc loài cá này có đáng sợ như lời kể của những thổ dân. Dù trên thực tế vẫn có không ít bằng chứng cho rằng cá Candiru thực sự đã từng tấn công con người, nhưng theo một nghiên cứu các nhà khoa học Mỹ được thực hiện vào năm 2011 thì những chứng cứ ấy đang tồn tại nhiều điểm chưa xác tín.
Đầu tiên, loài cá này dù “khát máu” đến mấy, chúng cũng sẽ không chủ động tìm đường chết khi chui vào niệu đạo của con người.
Thêm nữa, Candiru không bị hấp dẫn bởi mùi amoniac như nhiều người lầm tưởng vì thực tế, chúng chỉ tập trung vào độ “béo bở” của con mồi.
Song, những lời kể của những cư dân bản địa cũng không thể được khởi phát một cách vô căn cứ. Sau quá trình nghiên cứu kỹ càng, chuyên gia Bauer đã công bố một giả thuyết tương đối hợp lý, đó là có thể do rào cản ngôn ngữ (cụ thể là Lingua) đã khiến những nhà thám hiểm châu Âu và thổ dân Amazon hiểu sai ý nhau. Có khả năng loài cá “ma cà rồng” mà họ đang muốn nhắc đến chính là Piranha (một loài cá họ Cọp có những đặc trưng tương tự Candiru).
Theo dự đoán của nhiều người, những thông tin về cá Candiru vẫn sẽ gây ra không ít tranh cãi trong tương lai. Nhưng nhờ vậy, thực hư về loài cá được mệnh danh là “ma cà rồng” Amazon sẽ sớm được xác thực.