Thực trạng chuyển đổi số trong phát triển hợp tác xã nông nghiệp
Hiện nay, toàn tỉnh có 547 Hợp tác xã nông nghiệp (chiếm trên 55% trong tổng số lượng HTX các loại hình), trong đó 503 HTX đang hoạt động (chiếm 92%) và 44 HTX ngừng hoạt động (chiếm 8%). Số lượng HTX theo ngành nghề hoạt động: Có 275 HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp (chiếm 50,3%), 104 HTX chăn nuôi (chiếm 19%), 98 HTX trồng trọt (chiếm 17,9%), 67 HTX thuỷ sản (chiếm 12,2%), 3 HTX lâm nghiệp (chiếm 0,5%). Theo số liệu báo cáo của các địa phương, tổng doanh thu của HTX năm 2020 đạt khoảng 503 tỷ đồng, tổng lợi nhuận đạt khoảng 97,6 tỷ đồng (doanh thu bình quân của HTX đang hoạt động khoảng 920 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt khoảng 178 triệu đồng/HTX). Doanh thu bình quân và lợi nhuận bình quân của HTX nông nghiệp đều tăng lên so với năm 2016 (doanh thu đạt khoảng 542 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt khoảng 110 triệu đồng/HTX). Tuy nhiên, so với mức bình quân chung của cả nước thì hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp chưa cao (năm 2020 cả nước: Doanh thu bình quân 2,4 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân 382,6 triệu đồng/HTX).
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, toàn tỉnh có 19 Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, gồm 9 HTX thủy sản, 8 HTX trồng trọt, 2 HTX tổng hợp. Ngoài ra, còn có 15 HTX ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, trong quản lý: Ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn (2 HTX trồng trọt); Quản lý, giám sát chăn nuôi thông qua hệ thống camera, máy tính (13 HTX chăn nuôi). Các công nghệ được đầu tư, áp dụng vận dụng khá thành công trên địa bàn Hà Tĩnh đem lại chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, có khả năng nhân rộng như: Công nghệ nuôi thâm canh mật độ cao trong ao lót bạt trên vùng đất cát; công nghệ nuôi sử dụng đồng nhất về giống, hệ thống sục khí tạo ô xi, đáy ao lót bạt, thức ăn công nghiệp, mật độ nuôi dày trên 100 con giống/m2, xử lý môi trường nước bằng chế phẩm vi sinh; công nghệ nhà màng, nhà lưới...
Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao điển hình có hiệu quả như: HTX Xuân Thành (huyện Nghi Xuân), có năng suất bình quân 30 tấn/ha với quy trình kỹ thuật tiên tiến nuôi nên đã hạn chế được dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho sản xuất phát triển bền vững; HTX Nga Hải (huyện Nghi Xuân) về áp dụng công nghệ được sản xuất rau, quả các loại có ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển bán tự động trong quá trình tưới nước và bón phân trong nhà lưới, nhà màng với 3 nhà lưới khoảng 3000m2.; HTX Gia Phúc ở xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc bước đầu ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật) để thu thập các chỉ số của môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, độ pH...) một cách liên tục và gửi dữ liệu đó về các bộ vi xử lý để vận hành hệ thống tưới, làm mát, chiếu sáng đảm bảo phù hợp cho cây trồng.
Tháng 6 năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã bước đầu triển khai đưa vào vận hành Hệ thống quản lý dữ liệu hợp tác xã nông nghiệp do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn triển khai (tại địa chỉ https://quanlyhtxnongnghiep.gov.vn/) cho các huyện, thành phố, thị xã. Hệ thống này cho phép tạo kênh liên thông dữ liệu từ cấp huyện đến cấp tỉnh, cấp Trung ương; bước đầu UBND cấp huyện đã thực hiện báo cáo định kỳ các số liệu về sự tăng giảm số lượng HTX, THT hàng tháng, hàng quý… theo Form trên hệ thống nên tiết kiệm thời gian nhập, rà soát và tổng hợp số liệu.
Ngoài ra thực hiện Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm (OCOP) toàn tỉnh có 76 sản phẩm sản phẩm OCOP do HTX, THT làm chủ thể, chiếm 47,8% trong tổng số (toàn tỉnh có 159 sản phẩm OCOP). Bước đầu các hợp tác xã nông nghiệp tham gia Chương trình đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh như: Xây dựng trang web, sử dụng thư điện tử và một số HTX đã sử dụng phần mềm kế toán, ứng dụng các hình thức thanh toán điện tử. Một số HTX tiêu biểu như: HTX thu mua và chế biến thủy, hải sản Phú Khương, HTX thu mua và chế biến thủy Hải sản Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh), HTX thu mua và chế biến thủy, hải sản Chiến Thắng (thị xã Kỳ Anh), HTX Mật ong Cường Nga Hương Sơn (huyện Hương Sơn)…
Những hạn chế, yếu kém
Chuyển đổi số trong phát triển HTX nông nghiệp là vấn đề mới, đòi hỏi phải được bắt đầu từ sự chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên của hợp tác xã. Trong khi đó, hầu hết các HTX nông nghiệp đang hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.
Hoạt động của HTX nông nghiệp quy mô còn nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất kinh doanh truyền thống. Năng lực tài chính yếu nên khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Năng lực, trình độ của cán bộ quản lý HTX nông nghiệp còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật còn rất hạn chế.
Lực lượng lao động, thành viên của HTX nhìn chung thiếu kỹ năng cơ bản trong quá trình làm việc, thiếu kỹ năng phục vụ quá trình chuyển đổi số như tiếp cận thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin…
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của HTX nông nghiệp còn lạc hậu, nhiều HTX nông nghiệp chưa có máy tính, thiết bị kết nối mạng.
Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển HTX nông nghiệp trong thời gian tới
Trước yêu cầu phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp, nông thôn, hợp tác xã nông nghiệp ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, thực sự là đầu mối liên kết, dẫn dắt nông dân để tiếp nhận chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các HTX nông nghiệp có đóng góp không nhỏ trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Do đó, cần sự quan tâm cao trong hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp trong chuyển đổi số và cần thực hiện một số giải pháp sau:
1. Tập trung tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức về quá trình chuyển đổi số trong phát triển HTX nông nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác các cấp; cán bộ chủ chốt, thành viên của Hợp tác xã nông nghiệp. Tổ chức các chuyên đề, hội thảo về chuyển đổi số; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình hợp tác xã trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công.
2. Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ quản lý HTX về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, tập trung vào kỹ năng tiếp thị, xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao...
3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ cho HTX nông nghiệp để HTX nông nghiệp thực sự làm vai trò cầu nối, dẫn dắt nông dân trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm,...
Xây dựng hệ thống tiện ích, giám sát, tăng hiệu năng quản trị nội bộ bằng công nghệ số cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, như: Quản trị nhân sự, xuất nhập tồn kho, định giá vốn, giá bán, quản lý sản xuất, vùng canh tác, quản trị hàng hoá theo lô, theo mã, quản lý chuỗi cung ứng (đóng gói, vận chuyển, kho lưu trữ),... cho phép theo dõi, tư vấn, hướng dẫn thực hiện các quy trình sản xuất, vận hành, thao tác từ xa, tạo và kết thúc hoạt động trên hệ nhật ký điện tử chuyên biệt của hệ thống; đồng thời giúp hợp tác xã kết nối với các kênh thông tin về chính sách, kỹ thuật, thị trường,... và các đơn vị cung ứng vật tư, vận chuyển, tiêu thụ,...để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.
4. Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp của các HTX nông nghiệp như ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chất lượng, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm...
5. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm gắn với hệ thống quảng bá, thương mại sản phẩm trên sàn thương mại điện tử B2B (bán sỉ) và B2C (bán lẻ)
6. Triển khai thí điểm các mô hình HTX ứng dụng công nghệ số làm điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng như:
- Mô hình hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi số (lựa chọn 3-5 hợp tác xã nông nghiệp để củng cố, kiện toàn theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012, hỗ trợ chuyển đổi số trong công tác quản lý và phát triển sản xuất kinh doanh); Mô hình quản trị, giám sát quá trình sản xuất, bán sản phẩm OCOP của các chủ thể là HTX nông nghiệp (lựa chọn 3-5 chủ thể sản xuất và bán hàng OCOP để thực hiện).
- Mô hình quản lý sản xuất, kinh doanh rừng trồng đạt tiêu chuẩn FSC tại Liên hiệp HTX Chứng chỉ rừng Tây Kim, huyện Hương Sơn.
7. Xây dựng hệ thống thông tin quản lý nhà nước về HTX nông nghiệp. Xây dựng nền tảng số cho phép từng bước số hoá mọi quy trình, hoạt động quản lý, hình thành cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành, liên thông và đồng bộ với hệ thống thông tin báo cáo tổng hợp của lĩnh vực HTX nông nghiệp.
8. Rà soát, hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong phát triển HTX nông nghiệp theo hướng bền vững. Huy động nguồn lực để hỗ trợ các HTX chuyển đổi số; hỗ trợ trang thiết bị, công cụ phục vụ chuyển đổi số dựa trên định hướng phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương.