Tại Đà Nẵng, cá mòi theo cửa sông Hàn, lên sông Yên gặp ba-ra An Trạch (đập nước nằm giữa hai xã Hòa Khương và Hòa Tiến, H.Hòa Vang) chặn lại nên sớm kết thúc hành trình về nguồn sinh sản. Đây là cơ hội “ngàn vàng” cho những người dân chài sống ven sông. Chỉ cần một “tay” lưới nhỏ, họ đã có thể kiếm vài ký cá mòi mỗi ngày. Thời gian thích hợp bắt cá mòi khoảng đầu giờ chiều và kéo dài đến khi mặt trời bắt đầu xuống núi.
Có nhiều cách chế biến cá mòi, như xay nhuyễn làm chả, kho dưa cải hay ướp làm mắm. Nhưng ngon nhất phải kể đến món cá mòi chiên giòn. Con cá bắt từ sông lên, vảy còn óng ánh bạc, dùng dao sắc nhọn khía dọc theo thân. Sau đó, lấy gừng củ giã nhuyễn với ớt sừng trâu (ớt xanh mới đúng điệu) thoa đều, cho lên bếp than, nướng vừa chín vàng. Mùi hương của gừng, của ớt hòa quyện với mùi mỡ của cá và mùi thơm đặc biệt của trứng cá mòi lan tỏa càng làm tăng thêm sức quyến rũ của món ăn dân dã này. Cá nướng xong, cho vào chảo, vặn lửa riu riu, rưới ít dầu ăn lên chiên cho đến khi cá thật vàng. Trong thời gian chiên cá, ta hãy chuẩn bị một chén nước mắm Nam Ô chính hiệu, vài trái ớt dằm nhỏ; một đĩa rau gồm húng, răm, chuối, khế... sẵn sàng trên mâm.
Thưởng thức cá mòi phải để nguyên con, đưa lên miệng cắn ngang, nhai giòn rụm. Vị béo ngọt của trứng, của cá và mùi thơm của rau làm nhiều người mê mẩn, nhớ hoài...