Thủy điện Mê Kông lỗi hẹn cùng cá tra dầu

Loài người thường hiếm khi hứng thú với việc bảo tồn các loài cá, có thể bởi vì chúng không xuất hiện trước mắt chúng ta như những sinh vật sống trên mặt đất, ngoại trừ trên bàn ăn của con người. Nhưng nếu có loài cá nào xuất hiện trong danh sách những loài động vật bị đe dọa tại Châu Á, đó chắc chắn đó là cá tra dầu Mê Kông (Pangasianodon gigas).

sông MeKong
Con sông Mê Kông hung vĩ chảy qua Luang Prabang, Lào là nơi sinh sống của loài cá tra dầu Mê Kông cực kỳ nguy cấp (Pangasianodon gigas). Ảnh: Claire Asher

Cá tra dầu khổng lồ là loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, với trọng lượng lên tới 300kg mỗi cá thể và có thể dài tới 3m. Sự an nguy của loài cá được phát hiện dọc theo sông Mê Kông trên lãnh thổ Đông Nam Á này có liên hệ mật thiết tới “sức khỏe” của con sông.

Thế nhưng, tương lai của loài cá khổng lồ này vô cùng ảm đạm. Số lượng cá tra dầu đã giảm tới 80% chỉ trong vài thập kỷ gần đây. Được IUCN xếp hạng “Cực kỳ nguy cấp”, không ai biết chính xác ngày nay còn lại bao nhiêu cá thể ca tra dầu trên sông Mê Kông, trong khi tương lai của con sông không hề báo trước điềm lành.

thả cá tra dầu
Thả cá tra dầu trở về sông Mê Kông. (Ảnh: Zeb Hogan)

Mặc dù không nổi tiếng như sông Amazon về mức độ đa dạng loài, sông Mê Kông vẫn là nơi sinh sống của hơn 1.200 loài cá, và cũng là một điểm nóng đa dạng sinh học sánh ngang với con sông Nam Mỹ. Thế nhưng, sông Mê Kông và các loài thủy sinh nơi đây đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức có mối liên hệ với nhau, từ phát triển đập, khai thác quá mức cho đến ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

Dân số tăng nhanh tại Đông Nam Á, một trong những vấn đề lớn nhất, đang đặt gánh nặng lên toàn bộ hệ thống sông Mê Kông. Áp lực nuôi sống nhiều người hơn dẫn đến các hoạt động khai thác quá mức, đồng thời cuộc sống sung túc hơn cũng làm gia tăng nhu cầu ăn uống và làm trầm trọng thêm vấn đề. Nhu cầu lương thực cũng dẫn đến việc mở rộng canh tác nông nghiệp và cạnh tranh nguồn nước, đồng thời gia tăng ô nhiễm từ thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và chất thải chăn nuôi.

Quá nhiều hoạt động khai thác trong khi tài nguyên cá có hạn

Khai thác quá mức là một vấn đề lớn đối với sông ngòi trên khắp thế giới – cuộc khủng hoảng này thể hiện rõ trên dữ liệu thủy sản Mê Kông. Số người khai thác cá trên Biển hồ (hồ Tonle Sap) – một phần đa dạng sinh học tối quan trọng của Lưu vực Mê Kông – đã tăng vọt từ 360.000 người vào năm 1940 lên tới con số đáng kinh ngạc 1,3 triệu người vào năm 1995.

Trong khoảng thời gian đó, sản lượng đánh bắt trên đầu người giảm còn một nửa. Mục tiêu đánh bắt cũng thay đổi; trước đây, con người chủ yếu bắt các loài cá lớn, nhưng ngày nay các loài cá nhỏ lại chiếm phần lớn trong sản lượng đánh bắt của Tonle Sap. Điều đó cho thấy quần thể cá đã dần không còn cá trưởng thành.

ngư dân Lào
Ngư dân Lào trên sông Mê Kông. (Ảnh: Kirk Herbertson/ IR)

Hệ sinh thái nước ngọt đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phồn vinh của cả loài người và đời sống của các loài hoang dã, nhưng đồng thời cũng là hệ sinh thái bị đe dọa nhất trên trái đất. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đã và đang có những tác động không nhỏ lên toàn khu vực, như giảm lượng mưa hay tăng nhiệt độ môi trường nước.

Việt Nam vừa trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng chưa từng có vào năm 2015 và đầu năm 2016, khiến sông Mê Kông trên lãnh thổ Đồng bằng Sông Cửu Long đạt mức cạn kỷ lục trong vòng 100 năm. Các quốc gia láng giềng như Campuchia và Thái Lan cũng phải hứng chịu những đợt nắng nóng kéo dài và thiếu nước, khiến Trung Quốc phải mở cửa một số con đập để cấp nước cho hạ nguồn.

Tất cả những vấn đề trên đe dọa không chỉ loài cá tra dầu Mê Kông mà còn hàng triệu người dân Đông Nam Á sống dựa vào con sông. Vận mệnh của họ và của loài cá tra dầu huyền thoại này phụ thuộc vào chính những quyết định quản lý phát triển con sông.

Cuộc đua thủy điện trên sông Mê Kông

Các chính phủ và người dân Đông Nam Á ngày càng mong muốn hạn chế sản xuất năng lượng từ than đá, và thủy điện được coi là một lựa chọn thay thế khả thi và hấp dẫn.
Đập thủy điện có lẽ là thách thức lớn nhất đối với hệ sinh thái Mê Kông và loài cá tra dầu di cư.

Chính phủ CHDCND Lào đã bày tỏ tham vọng trở thành “quả pin của Đông Nam Á”, và tất nhiên dòng sông Mê Kông sẽ giúp Lào đạt đến tham vọng đó. Tiềm năng thủy điện của toàn Lưu vực Mê Kông là 53.000 MW, tương đương một phần ba nhu cầu năng lượng dự kiến đến năm 2025 của cả Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

xây đập
Xây dựng đập Xayaburi tại Lào. (Ảnh: IR)

9 con đập đã được xây dựng trên thượng nguồn sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Trung Quốc, với tổng công suất khoảng 11.000 MW. 2 con đập khác hiện đang trong quá trình xây dựng phía hạ nguồn tại Lào, và còn ít nhất 27 con đập dự kiến khác rải khắp dòng chính sông Mê Kông, chủ yếu tại Lào và Trung Quốc.

Xayaburi – ví dụ điển hình

Trong khi hứa hẹn sẽ cung cấp năng lượng tái tạo cho dân số ngày càng tăng nhanh trên khắp Đông Nam Á, những con đập được được dự kiến xây dựng đồng thời cũng sẽ tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt là tài nguyên cá.

Năm 2010, chính phủ Lào và Thái bắt đầu khởi động siêu đập Xayaburi với sản lượng điện dự kiến 1.285 MW. Tập đoàn Điện lực Thái Lan (EGAT) đã đồng ý mua lại 95% sản lượng này, mặc dù theo dự báo nhu cầu điện, Thái Lan không cần nhiều điện đến vậy, có nghĩa một phần sản lượng mua lại sẽ dành cho xuất khẩu.

Campuchia và Thái Lan, hai quốc gia nằm phía hạ nguồn dự án cùng các tổ chức môi trường trong nước và quốc tế đều kịch liệt phản đổi dự án này. Năm 2012, dân làng tại 8 tỉnh Thái Lan đã khởi kiện 5 cơ quan nhà nước có tham gia vào dự án đập Xayaburi, trong đó bao gồm EGAT, do không đánh giá đầy đủ tác động đối với môi trường và dòng sông trước khi phê duyệt và khởi công dự án.

Mặc dù quyết định cuối cùng của tòa án Thái Lan đứng về phía các cơ quan ủng hộ dự án Xayaburi, nhưng vụ việc gây tranh cãi này đã thu hút được sự chú ý của toàn lưu vực đối với tác động môi trường của thủy điện Mê Kông. Người dân địa phương trên khắp lưu vực hiện đang vô cùng lo ngại rằng Xayaburi và những con đập Mê Kông khác sẽ làm thay đổi nhịp lũ và phá hủy mùa sinh sản của cá, khiến người dân mất đất và mất luôn sinh kế.

Đập và cá di cư không thể sống chung

Hàng năm, cứ từ tháng 10 đến tháng 12, cá tra dầu Mê Kông di cư từ các hồ nước phía hạ nguồn Mê Kông lên Campuchia, Lào, Thái Lan, nơi chúng đẻ trứng. Thế nhưng, đập thủy điện lại tạo ra một rào cản vật lý hạn chế cá di cư lên xuống thượng – hạ nguồn và sinh sản.

nhóm nghiên cứu
Nhóm nghiên cứu của Zeb Hogan nghiên cứu về cá tra dầu tại Campuchia năm 2015. (Ảnh: Zeb Hogan)

Năm 2015, Zeb Hogan, Đại học Nevada và các cộng sự của ông đã nghiên cứu về loài cá này. Hoạt động di cư của loài cá này thường khó nhìn thấy dưới nước, vì vậy nhóm nghiên cứu của Zeb Hogan đã sử dụng phép đo vô tuyến để ghi nhận di chuyển của những con cá tra dầu trưởng thành dọc theo hệ thống sông. Nhóm nhận thấy, cá tra dầu thường di chuyển từ Biển Hồ Tonle Sap lên dòng chính sông Mê Kông vào cuối mùa mưa. Những con cá tra dầu trưởng thành chưa rõ có di cư trở lại hay không, nhưng những cá thể mới sinh sẽ theo dòng nước lên về lại Campuchia vào tháng 7 và tháng 8 dưới dạng ấu trùng,.

Một nghiên cứu mới xuất bản năm ngoái của SpyGen đã đưa thêm nhiều bằng chứng rằng cá tra dầu Mê Kông là một “tay du hành vĩ đại” trên khắp chiều dài con sông, có vòng đời phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường sông. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ phân tích DNA Môi trường (eDNA) để theo dõi việc di chuyển của cá tra dầu trên toàn con sông.

eDNA là một loại DND được một sinh vật tiết ra môi trường thông qua phân, lông, nước tiểu, da, giao tử, vv., có thể được chiết xuất từ các mẫu môi trường như đất và nước, từ đó giúp phát hiện các loài cụ thể từng xuất hiện trong một môi trường cụ thể mà không cần phải nhìn thấy hoặc bắt được chúng.

Nhóm nghiên cứu đã xác định được DNA của loài cá tra dầu ngay tại khu vực được coi là nơi sinh sản của loài này trên dòng chính sông Mê Kông, gần biên giới Lào và Bắc Thái Lan. Thật không may, khu vực này sắp trở thành thượng nguồn của con đập đầu tiên trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông. Liệu cá tra dầu có thể hoàn thành quá trình di cư và đẻ trứng một khi Xayaburi hoàn thiện hay không, vẫn còn là một nghi vấn.

biểu tình
Nhiều người dân Thái Lan đã biểu tình phản đối việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi khi Hội nghị ASEM diễn ra tại Vientiane, Lào vào năm 2012. (Ảnh: IR)

Đập Xayaburi sẽ là công trình đầu tiên được xây tại khu vực hạ nguồn khu vực cá tra dầu đẻ trứng, chia cắt đường di cư hàng năm của chúng. Khi con đập được hoàn thành, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thực hiện đánh giá eDNA để xem liệu loài cá tra dầu có thể vượt qua con đập để di cư đến nơi đẻ trứng hay không.

Mối nguy cho hệ sinh thái thủy sinh

Không chỉ riêng loài cá tra dầu bị ảnh hưởng bởi sự bùng nổ của các dự án thủy điện. Các nhà khoa học dự đoán rằng những con đập mới sẽ chặn đường di cư của 100 loài cá. Các loài di cư này đều đóng vai trò quan trọng đối với lương thực và sinh kế của người dân địa phương, bởi tới 70% nguồn cá thương mại tại Mê Kông là cá di cư.

Đập thủy điện phá vỡ quá trình di cư của cá trên dòng chính sông Mê Kông sẽ đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng đánh bắt trên khắp lưu vực. Thực trạng này cũng đã từng xảy ra đối với Lưu vực Amazon, nơi những con đập trên sông Araguaia-Tocantins khiến sản lượng cá hạ nguồn giảm tới 70%.

Đập thủy điện còn gây ra những tác động sinh thái khác, như thay đổi vòng tuần hoàn lũ tự nhiên. Nước xả ồ ạt từ những con đập sẽ lấy đi phù sa và các chất trầm tích, vốn là nơi sinh sống và nguồn thức ăn cho các loài cây thủy sinh, động vật không xương sống và tôm cá. Đập thủy điện đồng thời cũng phá vỡ dòng chảy tự nhiên cùng việc phân phối trầm tích dọc khắp hệ thống sông, gây dồn tích trầm tích trên thượng nguồn và thiếu hụt dinh dưỡng phía hạ nguồn.

Giải pháp cho tương lai

Đối mặt với con đập Xayaburi chuẩn bị hoàn thiện, niềm hy vọng còn lại đối với loài cá tra dầu là bằng một cách nào đó chúng có thể hoàn thiện vòng đời trên một con sông bị chia cắt. Nếu không thể, tương lai tuyệt chủng dành cho cá tra dầu là hoàn toàn có thể.

Thế nhưng, một vài kỹ sư tin rằng vẫn có thể khai thác nguồn tài nguyên thủy điện từ những con sông như Mê Kông mà không ảnh hưởng đến chu trình dinh dưỡng và các loài cá di cư.

dap jon
Đập John Day trên sông Columbia sở hữu hệ thống cầu thang cá giúp cá vượt qua con đập. Những bộ phận hỗ trợ này có tác dụng trong một vài trường hợp, thế nhưng lại không hiệu quả đối với một vài loài cá. (Ảnh: U.S. Army Corps of Engineers)

Với lý luận đó, một vài con đập mới, trong đó bao gồm Xayaburi, đã thiết lập hệ thống cầu thang cá nhằm giúp các loài cá di cư đối mặt với thách thức vượt qua con đập cao 33 mét. Thế nhưng, trong khi cầu thang cá có những thành công nhất định tại Bắc Mỹ, nghiên cứu chỉ ra rằng cầu thang cá chỉ có hiệu quả đối với một số loài cá nhất định, và đặc biệt không có tác dụng với các loài bơi chậm. Ở Thái Lan, đập Pak Mun cũng đã xây dựng thêm cầu thang cá để cá có thể di cư đến sông Mun, thế nhưng c công trình này hoàn toàn vô giá trị. Chưa tới 10 năm sau khi con đập được hoàn thiện, chính phủ đã buộc phải mở cửa đập để cứu vớt nghề cá.

TS. Tom Wild tại Đại học Cornell (Mỹ) nhận định, không thể nào xây dựng một con đập mà không gây tác động tới hệ sinh thái. Tại một lưu vực sông như Mê Kông, nơi sự phồn vinh của con người liên hệ mật thiết với sức khỏe và năng suất của con sông, thì điều quan trọng hơn cả là xây dựng những con đập có thể mang lại sự cân bằng giữa nhu cầu năng lượng và một hệ sinh thái khỏe mạnh.

TS. Wild hiện cùng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Heritage Natural (Mỹ) hợp tác cùng chính phủ Campuchia phát triển kế hoạch xây dựng “cân bằng hệ sinh thái-năng lượng” cho đập thủy điện Sambor. Dự án hiện trong quá trình lên kế hoạch này sẽ là con đập hạ nguồn xa nhất ở dưới hạ nguồn trên dòng chính sông Mê Kông, có nghĩa tác động tiềm tàng của con đập đối với các loài cá di cư và vận chuyển phù sa là vô cùng quan trọng.

làng nổi
Ngôi làng nổi trên Biển Hồ Tonle Sap, Campuchia. Đập thủy điện phía thượng nguồn đang gây ảnh hưởng đến con sông Mê Kông và cả những số phận đang sống dựa vào nó. (Ảnh: Jialiang Gao GNU)

Nhóm nghiên cứu đang xác định những địa điểm xây đập thay thế, những lựa chọn thiết kế khác nhau và các chính sách vận hành cho đập Sambor – những quyết định giúp cải thiện đáng kể dòng chảy, phù sa và lượng cá di cư qua và quanh con đập. Theo TS Wild, những con đập nhỏ hơn với kênh di chuyển riêng có thể đảm bảo giúp cá vượt qua con đập. Nhóm nghiên cứu cũng đang tìm hiểu tính khả thi của các tua bin giảm tổn hại đến cá và các cánh cổng dạng tỏa tròn cho phép phù sa đi qua.

Quan trọng hơn cả, tất cả những điều này cần được xem xét và cân nhắc ngay khi bắt đầu quá trình lên kế hoạch, trước khi lựa chọn địa điểm và thiết kế dự án. TS Wild bày tỏ hy vọng đập Sambor sẽ trở thành một câu chuyện thành công, một định hướng mới giúp bảo tồn sức khỏe của hệ sinh thái trước các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng khác trên sông Mê Kông và có thể là mô hình mẫu cho các lưu vực khác cũng đang chịu áp lực nặng nề từ phát triển đập.

trang trại cá
Một trang trại cá tại Louangphabang, Lào. (Ảnh: Flickr)

Quá ít nỗ lực và quá muộn màng?

Các nhà bảo tồn đã cố gắng hết mình để cải thiện thảm cảnh của cá tra dầu. Các tổ chức bảo tồn như IUCN, FISHBIO và WWF đã hợp tác chặt chẽ với Cục Chăn nuôi và Nghề cá tại Lào, cùng cộng đồng địa phương đưa ra hàng loạt khu bảo tồn cá (FCZs) dọc theo con sông Mê Kông. Khoảng 1.000 FCZs rải rác khắp lãnh thổ Lào đã cấm hoàn toàn các hoạt động đánh bắt với hy vọng quần thể cá sẽ dần phục hồi, từ đó bảo vệ các khu vực đẻ trứng quan trọng.

Các nhà bảo tồn cho rằng, cá tra dầu Mê Kông giống như loài Gấu trúc, có thể trở thành biểu tượng của một trong những hệ sinh thái quan trọng nhất trên trái đất. Cá tra dầu tồn tại phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống sông khỏe mạnh và không bị chia cắt, bởi vậy, bảo tồn cá tra dầu cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn hàng loạt loài khác. Hơn thế nữa, cá tra dầu đóng vai trò văn hóa quan trọng đối với một số địa phương. Trước đây, một số cộng đồng đưa ra hương ước khi đánh bắt loài cá lớn như cá tra dầu, giúp cả cộng đồng kết nối bền chặt.

dap xaya
Khu vực xây đập Xayaburi tại Lào. (Ảnh: IR)

Một sáng kiến khác, Chương trình Living Mekong của WWF, hiện phối hợp cùng Ủy hội sông Mê Kông (MRC) và Ngân hàng Phát triển Châu Á nhằm đưa ra các chính sách bảo vệ môi trường nước ngọt và đảm bảo hệ sinh thái thủy sinh cần thiết cho cộng đồng địa phương được duy trì bền vững.

Hoạt động giám sát là một mảnh ghép quan trọng khác trong công tác bảo tồn ca tra dầu Mê Kông. Các công nghệ điều tra mới như eDNA có thể giúp giám sát trên quy mô lớn, đồng thời cung cấp dữ liệu nền về đa dạng sinh học của dòng sông Mê Kông, từ đó xác định các loài quý hiếm trong khu vực.

ngư dân trên biển
Một ngư dân trên Biển hồ Tonle Sap, Campuchia. (Ảnh: Claire Asher)

Mặc dù những nỗ lực bảo tồn này có vẻ khả thi, các dự án xây dựng trên dòng Mê Kông chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái thủy sinh cùng những loài cá di cư quý hiếm. Nếu những dự án lớn như Xayaburi được hoàn thiện và chặn hoàn toàn những đường di cư chính, tương lai tuyệt chủng đen tối của cá tra dầu Mê Kông chỉ còn là một ngày không xa.

Nhà sinh thái học Zeb Hogan tại Đại học Nevada (Mỹ) nhận định, “là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, cá tra dầu Mê Kông là biểu tượng cho sự toàn vẹn của dòng sông Mê Kông. Nếu loài cá lớn nhất biến mất, thì đó chính là báo hiệu cho nạn đánh bắt quá mức và các vấn đề môi trường khác.”

Nguồn: baovemoitruong.org.vn/Thiennhien.net, 02/03/2017
Đăng ngày 03/03/2017
Đan Khuê (Theo Mongabay)
Nuôi trồng

Vai trò của chế phẩm sinh học trong phòng ngừa EHP

Hiện nay, EHP chưa có thuốc điều trị hiệu quả, vì vậy việc phòng ngừa là giải pháp quan trọng nhất. Trong đó, việc sử dụng chế phẩm sinh học đã chứng minh được hiệu quả trong việc hạn chế sự lây lan và nguyên nhân gây bệnh.

Tôm thẻ chân trắng
• 10:36 20/12/2024

Tại sao cần tạo màu nước trước khi thả tôm?

Tạo màu nước trong ao là một bước quan trọng giúp chuẩn bị môi trường sống tốt nhất cho tôm trước khi thả. Màu nước phù hợp không chỉ giúp duy trì các thông số môi trường ổn định mà còn hỗ trợ hệ sinh thái ao phát triển cân bằng, giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên, không phải người nuôi nào cũng nắm rõ cách tạo màu nước hiệu quả và khoa học.

Tạo màu nước
• 10:24 20/12/2024

Đa dạng sinh học trong ao nuôi là gì?

Đa dạng sinh học trong nuôi tôm đề cập đến sự phong phú và cân bằng của các loài sinh vật sống trong ao, bao gồm tôm, cá, động thực vật phù du, vi sinh vật và các loài khác. Một hệ sinh thái ao có đa dạng sinh học cao sẽ có khả năng tự cân bằng, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài và hỗ trợ sự phát triển của tôm nuôi.

Đa dạng sinh học
• 10:18 20/12/2024

Hiệu quả của mô hình nuôi cá hữu cơ hiện nay

Trong bối cảnh ngành nuôi trồng thủy sản đang đối mặt với nhiều thách thức, mô hình nuôi cá hữu cơ đang nổi lên như một hướng đi bền vững, mang lại nhiều hiệu quả to lớn cho người nuôi trồng và người tiêu dùng. Hãy cùng Tép Bạc tìm hiểu chi tiết về những lợi ích và đóng góp mà mô hình này mang lại.

Nuôi cá hữu cơ
• 11:00 19/12/2024

Sản xuất giống thủy sản nước ngọt đa loài và mô hình nuôi

Thực hiện chủ trương giảm khai thác, tăng nuôi trồng, việc nghiên cứu sản xuất giống đa loài với các mô hình nuôi có vai trò quan trọng và nhiều năm qua được chú trọng đã đạt thành tựu đáng ghi nhận. Sau đây xin giới thiệu kết quả ở Trường Thủy sản thuộc Trường Đại học Cần Thơ qua thống kê của PGS.TS Phạm Thanh Liêm.

Nuôi cá tra
• 16:49 20/12/2024

Vai trò của chế phẩm sinh học trong phòng ngừa EHP

Hiện nay, EHP chưa có thuốc điều trị hiệu quả, vì vậy việc phòng ngừa là giải pháp quan trọng nhất. Trong đó, việc sử dụng chế phẩm sinh học đã chứng minh được hiệu quả trong việc hạn chế sự lây lan và nguyên nhân gây bệnh.

Tôm thẻ chân trắng
• 16:49 20/12/2024

Tại sao cần tạo màu nước trước khi thả tôm?

Tạo màu nước trong ao là một bước quan trọng giúp chuẩn bị môi trường sống tốt nhất cho tôm trước khi thả. Màu nước phù hợp không chỉ giúp duy trì các thông số môi trường ổn định mà còn hỗ trợ hệ sinh thái ao phát triển cân bằng, giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên, không phải người nuôi nào cũng nắm rõ cách tạo màu nước hiệu quả và khoa học.

Tạo màu nước
• 16:49 20/12/2024

Đa dạng sinh học trong ao nuôi là gì?

Đa dạng sinh học trong nuôi tôm đề cập đến sự phong phú và cân bằng của các loài sinh vật sống trong ao, bao gồm tôm, cá, động thực vật phù du, vi sinh vật và các loài khác. Một hệ sinh thái ao có đa dạng sinh học cao sẽ có khả năng tự cân bằng, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài và hỗ trợ sự phát triển của tôm nuôi.

Đa dạng sinh học
• 16:49 20/12/2024

Làm thế nào để xây dựng chuỗi giá trị thủy sản bền vững từ khâu sản xuất đến tiêu dùng?

Hiện nay, chuỗi giá trị thủy sản tại Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề như thiếu liên kết giữa các khâu, công nghệ sản xuất chưa đồng bộ và giá trị gia tăng thấp. Vì vậy, việc xây dựng chuỗi giá trị bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ là một nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo sự phát triển lâu dài của ngành thủy sản Việt Nam.

Nhá tôm
• 16:49 20/12/2024
Some text some message..