Với mỗi người dân nuôi cá lồng tại tỉnh TT- Huế, thời điểm bây giờ là lúc thu hoạch để trả nợ và chuẩn bị lo cái Tết sum vầy cho cả nhà. Thế nhưng, cơn đại hồng thủy vào ngày 5-11 đã cướp hết tất cả nguồn sống và hy vọng của những người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Anh Nguyễn Văn Sinh (SN 1989) là hộ nuôi cá lồng ở sông Bồ (tổ dân phố 3, TT. Tứ Hạ, tỉnh TT-Huế) cho biết, mẻ cá diêu hồng, cá trắm cỏ, cá rô phi này anh đã nuôi được 8 tháng, có loại cá to anh đã nuôi được một năm nhưng bây giờ đã mất trắng. Thiệt hại ban đầu ước tính 80 tấn cá, giá trị khoảng 2,5 tỷ đồng.
Anh Sinh đau đớn chia sẻ, anh không hề nhận được thông báo về việc xả lũ, dù có thông báo đi chăng nữa mà tốc độ xả lũ quá nhanh và mạnh như thế, không ai trở tay kịp, giờ sổ đỏ gia đình anh đã đi cầm ngân hàng, vay mượn khắp nơi để nuôi cá, mất hết không còn một đồng vốn nào nhưng không biết kêu ai, chỉ có nước bỏ xứ mà đi...
Cũng trên sông Bồ, thuộc địa phận xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh TT-Huế, anh Võ Tuân (SN 1973, nuôi cá lồng tại thôn Phú Lễ và Hạ Cảng) nghẹn ngào: “Không hiểu tại sao thủy điện lại xả lũ nhanh đến vậy!? Chỉ hơn một tiếng đồng hồ mà nước sông đã lên ngập tới mặt đường. Trước đó, chúng tôi đã chuẩn bị rất chu đáo nhưng do thủy điện xả lũ quá nhanh, quá mạnh không thể chuẩn bị kịp, làm 50 tấn cá diêu hồng, trắm cỏ của tôi chết hết. Thiệt hại ban đầu trên 2 tỷ đồng. Giờ tôi trắng tay. Không biết lấy tiền đâu mà trả nợ ngân hàng và nuôi sống gia đình...”.
Anh Hoàng Kim Trình (SN 1977, TT. Tứ Hạ, TX. Hương Trà) vừa đau khổ vừa tức giận: "Trước đây, nghĩ có thủy điện, người dân sẽ hết bị lũ lụt, ai ngờ bây giờ nó làm thiệt hại còn hơn thiên nhiên gây ra lúc xưa... Lụt bình thường sẽ dâng lên từ từ, vì thủy điện xả lũ nhanh nên bà con nuôi cá ở sông Bồ không ai trở tay kịp. Riêng hộ gia đình tôi đã mất hơn 1 tỷ đồng vì 20 tấn cá nuôi lồng đã chết trắng...tiền đâu ra trả nợ ngân hàng...”
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Lợi – Phó chủ tịch xã Quảng Phú cho biết: Hiện tại toàn xã có 285 lồng cá thì gần như mất trắng. Riêng thôn Hạ Lang, số lượng cá chết khoảng 80 tấn. Trước mắt, các hộ dân sẽ vớt hết cá để đi tiêu hủy tránh ảnh hưởng tới môi trường”. Về phương án hỗ trợ, chính quyền địa phương sẽ báo cáo thiệt hại của người dân lên cấp lãnh đạo để có phương án hỗ trợ, giúp đỡ người dân phần nào.
Không riêng gì người dân nuôi cá lồng Hương Trà, Quảng Điền bị thiệt hại mà những hộ nuôi trồng thủy sản ở Phú Vang cũng bị thiệt hại nghiêm trọng.
Đó là hộ ông Hoàng Văn Nhung (thôn Tây, xã Phú Thượng). Ông Nhung bàng hoàng cho hay, do thuỷ điện xả lũ quá nhanh khiến hơn 20 tấn cá lồng của anh đã chết, thiệt hại hơn tỷ đồng. “Bây giờ cũng bỏ nuôi cá lồng luôn, bởi bao nhiêu vốn liếng tích cóp bao năm và vay ngân hàng đều dồn vào nuôi cá diêu hồng, cá rô phi, cá ba sa…
"Thủy điện xả lũ nhanh quá làm dân không kịp trở tay, cá chết trắng lồng. Mà có trở tay cũng không làm gì được. Nước đổ về lớn, dữ như vậy khiến cá bị va đập, bị ngột cũng chết hết. Lúc đó chúng tôi cũng phải bỏ của chạy lấy người, đảm bảo tính mạng, không dám bám trên lồng cá. Mất sạch rồi. Nợ nần nữa. Giờ không biết kêu ai”- Ông Nhung ngán ngẩm.
Ông Nguyễn Hữu Văn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vinh Thái, huyện phú Vang cũng cho biết, trên địa bàn xã đã có 16 lồng cá bị lũ cuốn trôi và chưa ước tính được thiệt hại…
Câu hỏi đang đặt ra ở đây, các đập thủy điện của tỉnh TT.Huế đã điều tiết nước theo đúng quy chuẩn đã cam kết khi thành lập và xả lũ quá nhanh như vậy đã đúng quy trình hay chưa? Chúng tôi chờ câu trả lời cho các cơ quan chức năng.