Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2015, để đáp ứng các đơn hàng, Việt Nam đã NK nguyên liệu thủy sản từ 84 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau, với tổng giá trị gần 1 tỷ USD, trong đó 40% là mặt hàng tôm.
Nhập khẩu cả tỷ USD
Riêng đối với mặt hàng cá ngừ, theo VASEP, tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đạt hơn 266 triệu USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, XK cá ngừ tươi sống và đông lạnh của Việt Nam vẫn tiếp tục chiếm ưu thế. Trong khi đó, XK cá ngừ chế biến mã HS16 tăng gần 12%.
Các DN XK cá ngừ liên tục phát triển trong những năm gần đây, từ hơn 70 DN năm 2008, đến nay đã có hơn 100 DN XK cá ngừ sang 99 thị trường trên thế giới. Trong đó có 10 DN XK (chiếm trên 80% thị phần XK chính ngạch). Các chủng loại sản phẩm cá ngừ XK phong phú gồm: cá ngừ tươi nguyên con, đông lạnh nguyên con, chế biến đông lạnh, hấp chín đông lạnh, đồ hộp cá ngừ…
Kim ngạch XK cá ngừ của Việt Nam cũng tăng trưởng liên tục. Năm 2008, XK cá ngừ chỉ đạt 188,694 triệu USD; đến năm 2012, XK sản phẩm cá ngừ đạt 569,407 triệu USD. Năm 2013, XK cá ngừ đạt 526,685 triệu USD (giảm 7,2% so với năm 2012). Tuy nhiên, để có được kim ngạch XK trên, lượng nguyên liệu NK để chế biến về đã chiếm khoảng 260 triệu USD mỗi năm.
Trước đó, theo Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, dù ngư dân Việt Nam đánh bắt mỗi năm khoảng 17.000 tấn cá ngừ đại dương, nhưng các DN trong nước phải nhập thêm 5.000 tấn loại cá này chế biến XK.
Đối với mặt hàng cá tra, VASEP cho biết tính đến thời điểm tháng 8/2016, diện tích nuôi mới cá tra tại các tỉnh ĐBSCL đã giảm khoảng 26%, diện tích thu hoạch cũng giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2015.
Tôm sú, tôm thẻ chân trắng sụt giảm năng suất, thậm chí có nơi mất trắng, nên áp lực có đủ nguồn nguyên liệu cho DN cũng khá lớn. Do vậy, nhiều khả năng sẽ phải nhập nhiều tôm về chế biến. Tuy nhiên, chưa có số liệu ước tính về nhu cầu tôm NK.
Theo ông Ích, việc NK nguyên liệu thủy sản là giải pháp cần thiết và trong mục tiêu XK thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm 2020, thì điều này là không thể tránh khỏi.
Chỉ tính 6 tháng đầu năm nay, sản lượng nguyên liệu thủy sản NK đã tăng gần 67% so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường NK nhiều nhất là Ấn Độ, chiếm 15%; Nhật Bản, chiếm 12% và Đài Loan là 11%...; trong đó chủ yếu ở hai nhóm hàng tôm và cá. Nguyên liệu thủy sản NK dùng cho gia công, sản xuất XK đang đóng góp từ 7 - 14% giá trị kim ngạch của ngành.
Mất 8.000 tỷ đồng do tổn thất
Trước sự thiếu hụt của nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước, theo các chuyên gia, nguyên nhân một phần đến từ khách quan, như thiếu hụt nguồn nguyên liệu tôm, cá tra do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn hồi đầu năm. Nguyên liệu hải sản cũng bị ảnh hưởng, do khai thác biển gặp khó khăn vì chi phí cao, công nghệ bảo quản chưa được cải thiện nhiều, giá bán không bù đắp giá vốn cho ngư dân.
Bên cạnh đó, ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết nguyên nhân một phần đến từ tổn thất sau khai thác hải sản ở Việt Nam, hiện vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Theo ước tính, tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản chiếm khoảng trên 20% cả về chất lượng lẫn sản lượng. Như vậy, mỗi năm cả nước mất khoảng trên dưới 400.000 tấn hải sản, tương đương với khoảng gần 8.000 tỷ đồng/năm. Chất lượng sản phẩm đầu ra cũng không ổn định.
Các chuyên gia kinh tế so sánh, theo giá thị trường hiện nay, mỗi cân cá ngừ chỉ khoảng 90.000 đồng, nhưng nếu khâu đánh bắt, bảo quản, chế biến đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đạt chất lượng tốt thì giá trị XK của loại cá này có thể tăng gấp 6 lần.
Vì vậy, để bảo đảm đủ nguồn nguyên liệu, chắc chắn các DN sẽ phải đẩy mạnh NK. Dự kiến trong năm nay, các DN sẽ NK khoảng 1 tỷ USD thủy sản nguyên liệu, tập trung vào các mặt hàng cá ngừ, tôm thẻ chân trắng, mực, bạch tuộc và cá biển.
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, để bảo đảm nguồn cung, các địa phương cần quy hoạch lại các vùng nuôi trồng thủy sản theo đúng quy hoạch, cũng như triển khai những giải pháp liên kết giúp thu mua nguyên liệu ổn định và hạ giá thành đầu vào nâng cao sức cạnh tranh.