Mức tăng trưởng doanh thu của CTCP Hùng Vương (HVG) và CTCP Đầu tư & Phát triển đa quốc gia (IDI) mặc dù vẫn tương đối tốt nhưng lợi nhuận lại giảm mạnh, lần lượt giảm 87% và 14% so với cùng kỳ.
Trong xu thế chung của ngành, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng khi doanh thu và LNST lần lượt đạt 1.451 tỷ đồng và 59 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu của VHC vào khoảng 4.666 tỷ đồng (+8% cùng kỳ) và LNST vào khoảng 250 tỷ đồng (-37% cùng kỳ).
Như vậy, VHC đã hoàn thành 78% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Nếu loại trừ khoản thu nhập đột biến từ thương vụ bán Công ty thức ăn Vĩnh Hoàn (182 tỷ đồng) thì lợi nhuận 9 tháng của công ty này chỉ giảm nhẹ khoảng 3% so với cùng kỳ. Theo chia sẻ của lãnh đạo công ty, sản lượng tiêu thụ của VHC vẫn tăng từ 20-25% nhưng giá bán giảm là nguyên nhân cốt lõi ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, VHC vẫn có những “chấm sáng” trên nền bức tranh ngành khá tối. Cụ thể, sản phẩm cá tra của VHC do được chú trọng tại phân khúc giá cao và tập trung hàng giá trị gia tăng nên giá bán chỉ giảm từ 7-8%; trong khi đó, hoạt động xuất khẩu lại có những cải thiện khi tỷ trọng đóng góp của VHC trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam tại khu vực tương đối “khó tính” như EU tăng từ 20% năm 2014 lên 23% trong 9 tháng đầu năm 2015.
Đáng chú ý, doanh thu của mảng collagen (gần140 tỷ đồng) có lẽ sẽ không được ghi nhận trong năm nay như đã kỳ vọng. Hiện tại, dòng sản phẩm này mới chỉ dừng lại ở giai đoạn sử dụng thử tại các doanh nghiệp dược khi vừa mới được cấp chuẩn GMP-WHO. Dự kiến trong năm sau, mảng hoạt động này mới đem lại nguồn thu cho VHC và đến năm 2017 mới đem lại lợi nhuận cho công ty.
Động lực tăng trưởng chính của VHC, thay vào đó, vẫn tập trung vào kinh doanh cốt lõi với sản lượng dự kiến tăng trưởng 25% so với cùng kỳ. Khi đó, doanh thu cả năm của VHC tăng 17% và LNST tăng 10% so với năm 2014 xét riêng hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Liên quan đến những tác động từ việc gia nhập TPP, phải thừa nhận rằng tại thị trường lớn nhất - Hoa Kỳ, VHC nói riêng và ngành thủy sản nói chung không được hưởng lợi trực tiếp bởi thuế nhập khẩu hiện tại đã bằng 0%; trong khi đó, thuế chống bán phá giá vẫn tiếp tục áp lên các sản phẩm cá tra.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, trong phán quyết sơ bộ về thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11), VHC và Công ty TNHH thủy sản Biển Đông là hai doanh nghiệp duy nhất không phải chịu thuế do không nằm trong đợt rà soát POR10 và POR11 và có thể đến tận năm 2017, VHC vẫn tiếp tục hưởng mức thuế ưu đãi 0 USD/kg.
Nhìn chung, những thay đổi về diễn biến giá của ngành thủy sản đang tác động không nhỏ đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Vì vậy, một cách thận trọng, doanh thu năm 2016 của VHC có thể chỉ vào khoảng 8.666 tỷ đồng (+17%) và LNST vào khoảng 376 tỷ đồng (+15%). Tuy nhiên, với mức dự kiến hiện tại, thì EPS của VHC sẽ vào khoảng 4.072 VND/cp trong năm 2016.
Ngoài ra, công ty đang giao dịch tại P/E vào khoảng 8,7 lần, gần bằng so với P/E của ngành thủy sản khoảng 9 lần. Đây là những con số cần được NĐT ghi nhận để có những lựa chọn đầu tư đúng và hợp lý nhất.