Theo tin ngày hôm nay 12-11 từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT), hiện đã có tới 25 doanh nghiệp Việt Nam có lô hàng thuỷ sản xuất khẩu bị cơ quan thẩm quyền Nhật Bản cảnh báo vi phạm quy định ATTP về dư lượng hoá chất, kháng sinh.
Theo đó, các mặt hàng bị cảnh cáo chủ yếu là tôm thẻ chân trắng đông lạnh, tôm sú nuôi đông lạnh, cá bò tẩm gia vị... Chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cảnh báo trong các lô hàng phần lớn là Enrofloxacin, Chloramphenicol, Furazolidone, và Oxytetracycline.
Thực tế, tình trạng các lô hàng thủy sản xuất khẩu bị trả về hoặc bị các nước nhập khẩu cảnh báo về an toàn thực phẩm năm nay tăng cao so với những năm trước. Theo Bộ NNPTNT, trong 9 tháng đầu năm 2015, số lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm là 165 lô, tăng 6 lô hàng so với cả năm 2014, còn số lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định hóa chất, kháng sinh là 78, tăng 10 lô so với cả năm 2014.
Theo đó, xuất khẩu thủy sản qua ba thị trường lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Nhật và EU đều có những lô hàng bị cảnh báo. Cụ thể, thị trường Mỹ, theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong 9 tháng đầu năm nay đã có 35 lô hàng bị cảnh báo vị phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, tăng 6 lần so với năm 2014.
Đối với thị trường Nhật là 27 lô hàng, trong đó chủ yếu là liên quan đến kháng sinh cấm sử dụng và kháng sinh hạn chế sử dụng, tăng 3,66 lần. Trên cơ sở đó, cơ quan thẩm quyền Nhật Bản đã áp dụng chế độ kiểm tra chặt đối với các chỉ tiêu bị cảnh báo và có thể sẽ áp dụng biện pháp đình chỉ nhập khẩu nếu tình hình không được cải thiện.
Thị trường EU cũng phát hiện 27 lô hàng, chiếm tỷ lệ lớn nhất là nhiễm vi sinh với 18 lô hàng, tương đương gần 67% lô hàng bị cảnh báo. Phía EU đã có văn bản gửi Nafiqad nêu rõ 24 doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam có lô hàng bị phát hiện vi phạm, đồng thời cảnh báo nếu tình hình không được cải thiện rõ rệt sẽ áp dụng các biện bổ sung để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng châu Âu.
Trước đó, tại buổi họp báo đầu tháng 11, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NNPTNT nhận định, tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản hiện đang ở mức đáng báo động, và tình trạng hàng xuất khẩu bị cảnh báo, trả về đang “tương đối nguy cấp”.
Cũng theo ông Nguyễn Như Tiệp, tình hình hàng nông, thủy sản xuất khẩu bị trả về nếu xử lý vấn đề chưa tốt và sự cải thiện không rõ nét thì rất có thể sẽ dẫn đến việc thị trường nhập khẩu tăng cường kiểm soát thông qua hình thức kiểm tra lấy mẫu 100% lô hàng đến cửa khẩu, thậm chí nghiêm trọng hơn là bị một số thị trường đình chỉ nhập khẩu.
Trước đó, Nafiqad cùng một số đơn vị như Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y đã làm việc với các địa phương cũng như đại diện doanh nghiệp về vấn đề này. Trước tình hình nguy cấp, đặc biệt là hàng thủy sản xuất khẩu bị trả về nhiều, cần có kế hoạch để cải thiện tồn dư kháng sinh trong thủy sản nói chung và hàng thủy sản xuất khẩu nói riêng.
“Nafiqad đang chủ trì, thúc đẩy các giải pháp để tình trạng cảnh báo giảm đi, tránh trường hợp bị các thị trường áp dụng kiểm soát chặt, thậm chí đình chỉ nhập khẩu,” ông Tiệp nói.