MỘT THỜI LẬN ĐẬN
Lê Tấn Nhất sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngư dân nghèo ở làng biển Xuân Cảnh, cuộc sống khó nhọc, học hết lớp 12, Nhất đành phải “xếp bút nghiên” để theo cha ra đầm Cù Mông đánh bắt tôm, cá đổi gạo kiếm sống. Khi phong trào nuôi tôm sú ở Sông Cầu bắt đầu phát triển, cha mẹ anh vay mượn tiền đầu tư nuôi tôm sú. Vì không có kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi nên con tôm thường xuyên bị bệnh chết, cả nhà lâm cảnh nợ nần, đành phải bỏ hồ để bám biển. Năm 2005, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh được cha mẹ cho lại hồ nuôi tôm rộng 5.000m2, liền bàn nhau gom hết tiền bạc dành dụm, đầu tư nuôi tôm sú với hy vọng sẽ đổi đời. Anh nhớ lại: “Không ngờ ngay vụ nuôi đầu tiên tôm bị dính bệnh, chết sạch, tiền bạc của hai vợ chồng đổ hết ra đầm Cù Mông”.
Thất bại ở vụ nuôi đầu không làm vợ chồng trẻ nản chí. Một lần nữa, Nhất tiếp tục vay vốn đầu tư vào vụ nuôi mới. Nhưng thất bại tiếp thất bại, vốn liếng lại một lần nữa đội nón ra đi, gia đình anh lại chịu cảnh nợ nần, nghèo khó. Nhất tâm sự: “Đến bây giờ tôi cũng chẳng thể nào đếm hết những vụ tôm thua lỗ. Chỉ nhớ được qua 4 năm lăn lộn, tất cả vốn liếng của gia đình đều lần lượt đi theo con tôm sú”. Nhìn về phía hồ tôm, anh nói tiếp: “Hồi đó, cũng vì “máu nghề” nên tôi mới liều nuôi tôm như vậy, vì cũng như bao người khác, thả tôm nuôi chủ yếu trông vào “ý trời” là chính. Bản thân chưa một lần trải qua lớp đào tạo kỹ thuật nuôi tôm thì lấy đâu ra kinh nghiệm. Đến mức, đáy hồ nuôi có lượng bùn cao, nguồn nước bị ô nhiễm nặng nhưng cũng không xử lý được, dẫn đến tôm dịch bệnh, chết hàng loạt. Vậy là trắng tay”.
RA ĐI ĐỂ TRỞ VỀ
Năm 2009, sau khi thất bại liên tục với con tôm sú, kinh tế kiệt quệ, vợ chồng Nhất đành rời bỏ quê nhà, vào quê vợ ở Tu Bông (Khánh Hòa) để kiếm sống. Thấy các hộ dân ở đây liên tục trúng đậm từ nuôi tôm, “máu nghề” trong Nhất lại trỗi dậy, được thêm gia đình vợ ủng hộ, thế là anh lại tiếp tục đeo đuổi con tôm. Anh kể: “Hồi đó, ở Tu Bông rất nhiều người thành công khi nuôi tôm thẻ chân trắng nên tôi cũng học tập theo. Vụ đầu, tôi thả nuôi được một hồ, sau 3 tháng nuôi, lãi gần 100 triệu đồng. Cứ thế, trong 4 năm, tôi kiếm được gần 400 triệu đồng. Mặc dù được đất Tu Bông “ưu đãi” nhưng trong tôi vẫn chưa một lần nguôi ý định quay trở về quê nhà để vực dậy nghề nuôi tôm ở địa phương”.
Với suy nghĩ này, đến năm 2011, Nhất trở về Xuân Cảnh, bắt tay ngay vào việc cải tạo lại hồ tôm của nhà mình. Anh mua 800 xe đất để nâng hồ, mua bạt lót toàn bộ hồ nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm nguồn nước. Cứ 1m2, anh thả 250 con giống, con tôm được theo dõi kỹ từ chế độ ăn đến tốc độ sinh trưởng, màu nước trong hồ, xi phông đáy hồ… Anh cho biết, lần này nuôi tôm không chỉ bằng những kinh nghiệm học được ở Khánh Hòa mà anh còn chủ động tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng...
Với cách đầu tư, chăm sóc bài bản, khoa học, năm 2012, anh đã thu hoạch hơn 60 tấn tôm, lãi trên 400 triệu đồng. Từ thành công này, Nhất tiếp tục đi tham quan, học hỏi mô hình nuôi tôm ở nhiều nơi, đồng thời lên mạng tìm hiểu cách nuôi của một số mô hình ở Bạc Liêu. Từ đó, anh quyết định đầu tư xây dựng một hồ ươm với diện tích 650m2 nằm cạnh hồ nuôi tôm thịt. Anh cho biết: “Xây dựng hồ ươm có nhiều thuận lợi, khi mua tôm post về thả ươm trong thời gian khoảng 30 ngày thì con tôm đã lớn, sức đề kháng cao và thích nghi với nguồn nước, tỉ lệ hao hụt thấp. Khi chuyển ra hồ nuôi tôm thịt, chúng phát triển rất nhanh, rút ngắn được thời gian nuôi, giảm mật độ ô nhiễm trong hồ nuôi nên con tôm ít sinh bệnh, đặc biệt là chi phí thức ăn cho tôm giảm đáng kể”. Theo anh, 1 triệu con tôm post khi nuôi trong hồ ươm, chỉ ăn khoảng 300kg thức ăn với chi phí khoảng 7,6 triệu đồng/tháng ươm là đủ. Nhưng nếu lượng tôm này thả vào hồ nuôi thì phải cho ăn mất 1,5 tấn/ tháng với số tiền khoảng 38 triệu đồng.
Ngoài ra, Nhất còn áp dụng mô hình thu tỉa tôm để nâng chất lượng tôm, đẩy giá lên cao. Theo anh, trước khi vào kỳ thu hoạch chính thì thu hoạch tỉa 3 lần, mỗi lần 1 tấn. Nhờ vậy, đến kỳ thu hoạch chính, mỗi ký tôm của anh thường chỉ từ 50 đến 52 con đạt chất lượng, trong khi đó, 1kg tôm của các hộ nuôi khác khoảng 100 con nhưng không sánh bằng. Đặc biệt, ở Xuân Cảnh chỉ có nhà anh là bán tôm đi các tỉnh ngoài được giá cao nhất. Vụ thu hoạch vừa rồi, anh bán tôm với giá 184.000 đồng/kg, gấp đôi giá của những hộ nuôi tôm ở cùng địa phương. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trải bạt từ hồ ươm ra hồ nuôi này đã giúp anh thành công cho tới bây giờ. “Năm 2013, vợ chồng tôi nuôi thành công 4 vụ tôm thẻ chân trắng, thu lãi khoảng 2 tỉ đồng, năm 2014 lãi trên 2,5 tỉ đồng và từ đầu năm đến nay cũng đã lãi được 2 tỉ đồng”, anh phấn khởi cho biết.
Lê Tấn Nhất (bìa trái) trao đổi kinh nghiệm nuôi tôm với một số người dân trong xã - Ảnh: T.HIẾU
THÀNH CÔNG ĐỂ SẺ CHIA
Từ khi mô hình nuôi tôm thẻ trải bạt của Nhất thành công, nhiều hộ dân ở địa phương đã học tập và phát triển nghề này, nhiều hồ tôm lâu nay bỏ hoang giờ được cải tạo và thả nuôi vụ mới. Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm nên không phải ai cũng thành công như Nhất. Vì vậy, nhiều người đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm và được anh truyền đạt nhiệt tình. Anh chia sẻ: “Tôi cũng từng một thời lao đao, lận đận với con tôm nên cũng rất thấu hiểu tình cảnh những hộ nuôi tôm bị thất bại, thua lỗ. Nên khi bà con cần đến mình, trong khả năng tôi sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ họ.
Dù vậy, để phát hiện con tôm bị bệnh hoặc có vấn đề gì thì không thể nào chỉ qua lời nói, hay nhìn tôm là bắt bệnh được ngay. Để làm được điều này, phải có cả một quá trình theo dõi mới kết luận chính xác tôm bị bệnh gì và nguyên nhân từ đâu, từ đó mới có hướng xử lý, điều trị đúng”. Do vậy, hiện có rất nhiều hộ nuôi tôm mời anh cùng nuôi với họ, theo kiểu người có hồ, người có kỹ thuật cùng góp vốn đầu tư. Đến nay, anh cùng nhiều bạn bè đã góp vốn hơn 3 tỉ đồng đầu tư nuôi 7 hồ tôm thẻ trải bạt, diện tích khoảng 3ha. Bình quân, năng suất thu hoạch luôn đạt từ 80 tấn đến 100 tấn/ha/năm (3 vụ nuôi).
Ngoài ra, anh Nhất còn hỗ trợ vốn sản xuất cho một số hộ nghèo ở địa phương với tổng số tiền gần 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 đến 26 lao động với mức thu nhập bình quân 4 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng. Gia đình ông Trần Văn Liên ở thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh là một điển hình. 10 năm trước, vợ chồng ông Liên có một hồ rộng 1.500m2 nuôi tôm sú nhưng thất bại nên ông đành bỏ hoang. Năm 2014, khi thấy anh Nhất nuôi thành công con tôm thẻ chân trắng nên anh mới đầu tư nuôi tôm trở lại. Ba vụ tôm đầu, ông Liên nhờ các kỹ sư thủy sản hướng dẫn kỹ thuật nuôi nhưng chỉ thành công được một vụ, hai vụ còn lại thất bại. Đầu năm 2015, ông Liên rủ Nhất nuôi cùng. Nhờ đó, vụ tôm vừa rồi, hồ tôm của ông thắng đậm, thu hoạch được hơn 4 tấn tôm thịt, cho lãi gần 200 triệu đồng.
Vợ chồng ông Phạm Văn Hoan ở cùng thôn với ông Liên cũng chung tình cảnh. Sở hữu hồ nuôi tôm gần 3.500m2 nhưng hơn 3 năm trước, ông Hoan phải bỏ hồ để đầu tư nuôi tôm hùm. 2 năm trở lại đây, ông Hoan quay lại đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Nhất và liên tục thành công. Ông Hoan cho biết: “Nhờ Nhất giúp đỡ kỹ thuật, kinh nghiệm mà vụ nuôi vừa rồi tôi lãi được 520 triệu đồng. Hiện vợ chồng tôi đang xây lại căn nhà với diện tích nền 160m2”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Cảnh Lê Văn Dẻo cho biết: “Thời gian qua, gia đình anh Lê Tấn Nhất là một trong những hộ có nhiều đóng góp cho địa phương. Gia đình anh rất tích cực tham gia đóng góp các hoạt động xã hội, từ thiện như hỗ trợ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, chương trình xây dựng nông thôn mới… với số tiền đóng góp mỗi năm khoảng 40 triệu đồng”.
Ông Lê Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh, nói: “Lê Tấn Nhất là gương nông dân điển hình của địa phương. Từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trải bạt của anh mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân ở địa phương đã học tập làm theo. Đến nay, toàn xã có 50 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng với khoảng 60 hồ nuôi, tổng diện tích trên 32ha và nghề này đã mang lại tiền tỉ cũng như góp phần đổi đời cho nhiều hộ dân trong xã”.