Để hoàn thiện công nghệ và thực hiện mục tiêu nhân rộng mô hình, phát triển đối tượng nuôi mới bào ngư 9 lỗ (Tên khoa học: Haliotis diversicolor; phân bố tập trung chủ yếu ở vùng biển ven đảo thuộc vịnh Bắc Bộ) quy mô hàng hóa, từ năm 2012 đến nay Bộ NN-PTNT đã giao Viện RIMF triển khai thực hiện dự án hoàn thiện và chuyển giao công nghệ sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm loài bào ngư 9 lỗ.
Sau khi các dự án được phê duyệt, RIMF đã phối hợp với các đơn vị liên quan góp vốn xây dựng hoàn thiện 2 trang trại sản xuất giống bào ngư tại đảo Bạch Long Vĩ và đảo Cô Tô. Đây là 2 mô hình được thiết kế, xây dựng đầu tiên ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật phục vụ chuyên SX giống loài bào ngư 9 lỗ.
Đến nay dự án đã nghiên cứu hoàn thiện và làm chủ được công nghệ SX con giống. Công nghệ này bao gồm các khâu kỹ thuật như kích thích sinh sản (đạt tỷ lệ đẻ trên 75%), ấp nở và ương nuôi lên con giống cấp I (đạt tỷ lệ sống ổn định >5%), sản xuất sinh khối tảo đáy làm thức ăn cho bào ngư giống.
Song song với đó, việc nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm loài bào ngư 9 lỗ (trên bể xi măng, nuôi trên bãi tự nhiên, nuôi lồng bè trên biển) cũng được dự án thực hiện. Công nghệ nuôi thương phẩm với thời gian nuôi khoảng 24 tháng cho tỷ lệ sống >75%, chiều dài vỏ >5cm; trọng lượng >40g/cá thể.
Công nghệ dự án tạo ra đã đạt ngang tầm kỹ thuật trong khu vực như Trung Quốc, Đài Loan. Qua đó, giúp ngành Thủy sản nước ta làm chủ được công nghệ, sẵn sàng chuyển giao đến các doanh nghiệp, hộ cá thể để mở rộng quy mô SX.
Bên cạnh đó, RIMF cũng chủ động thực hiện nội dung thăm dò nghiên cứu thức ăn nhân tạo từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước và đã thành công 2 công thức thức ăn viên (cho bào ngư giống và bào ngư thương phẩm) từ nguồn nguyên liệu chính là các loài vi tảo và rong biển. Nhờ đó, giúp cho nghề nuôi bào ngư ở nước ta chủ động được nguồn thức ăn, giảm chi phí SX, kiểm soát được chế độ dinh dưỡng và rút ngắn thời gian nuôi.
Sau khi nghiên cứu hoàn thiện và làm chủ được các công nghệ (SX con giống và nuôi thương phẩm), từ năm 2013 đến nay, RIMF đã thực hiện chuyển giao cho các trại, các cơ sở SX giống nuôi hải sản tại một số địa phương ven biển và hải đảo khu vực Tây vịnh Bắc Bộ, giúp mở rộng các mô hình hiệu quả, tạo cho người dân có nghề nuôi mới...
Qua các khảo sát và đánh giá, RIMF dự báo đến năm 2025, diện tích nuôi bào ngư đạt >2.000 ha. Nhu cầu giống khoảng 2,4 - 2,5 tỷ con. Tuy nhiên, hiện cả nước có hơn 4.000 trang trại SX giống hải sản hoạt động, nhưng chưa có trang trại nào đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật cho SX bào ngư giống. Để SX được 2,4 - 2,5 tỷ con giống, cần khoảng 590.000 - 600.000 cá thể bào ngư bố mẹ (kích thước >7cm), giá trị từ 12 - 15 triệu USD.
Viện trưởng RIMF Nguyễn Khắc Bát nhấn mạnh, một trong những khâu quan trọng trong quá trình SX con giống là việc phải hoàn thiện được kỹ thuật thuần hóa, lai tạo được đàn bào ngư bố mẹ.
Để làm được điều đó, trong quá trình triển khai các dự án, RIMF đã tiến hành thu gom nguồn giống ngoài tự nhiên sử dụng trong nghiên cứu. Qua quá trình nghiên cứu thực nghiệm, Viện đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật thuần hóa, lưu giữ tạo đàn bố mẹ từ nguồn giống tự nhiên đạt tỷ lệ sống trên 85% và tham gia sinh sản ổn định ở mức >30%.
Đến nay, các dự án cũng đã thành công trong việc hoàn thiện kỹ thuật nuôi vỗ đàn bố mẹ từ thế hệ F1 với tỷ lệ tham gia sinh sản đạt trên 65%. Đây là một trong những thành công của dự án trong việc tạo nguồn bố mẹ phục vụ SX con giống nhân tạo.