Trên địa bàn huyện Tân Phú Đông hiện có Cồn Ngang, là khu đất bãi bồi có chiều dài 5,5 km, rộng 2,5 km, tổng diện tích hơn 1.600 ha. Phần đất nổi của Cồn Ngang khoảng 150 ha đã được khai thác và trồng các loại cây như phi lao, mắm, đồng thời, được UBND tỉnh định hướng phát triển thành khu du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng cao cấp, cùng với các khu vui chơi giải trí mang đặc thù của biển đảo.
Ngoài ra, Cồn Vượt cũng là vùng đất bãi bồi còn rất hoang sơ, nằm giữa hai nhánh sông cửa Tiểu và Cửa Đại, xa về hướng biển Đông. Cồn có chiều dài khoảng 10 km, rộng trên 3 km, nằm cách huyện Tân Phú Đông khoảng 12 km. Cồn Vượt chỉ được nhìn thấy khi nước triều xuống thấp, còn khi thủy triều dâng cao thì cồn bị nhấn chìm dưới mực nước sâu đến 4 m, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi thủy sản phát triển, chủ yếu là nuôi nghêu.
Những thuận lợi trên đã phần nào cho thấy được tiềm năng kinh tế biển của huyện Tân Phú Đông là hết sức phong phú, đa dạng. Không những vậy, khoảng cách giữa Cồn Ngang và Cồn Cống là một dãy đất sạt lở rộng khoảng 154 ha, rất thích hợp cho loài nhuyễn thể hai mảnh sinh sôi phát triển.
Thời gian qua, xã Phú Tân nói chung và người dân ở ấp Cồn Cống nói riêng đã tranh thủ khai thác những tiềm năng sẵn có do thiên nhiên ban tặng để phát triển kinh tế. Hiện nay, đa phần hộ dân ở ấp Cồn Cống đều sống bằng nghề nuôi hoặc khai thác, đánh bắt thủy, hải sản. Những năm qua, nơi đây đã thành lập được Hợp tác xã thủy sản Phú Tân, chuyên nuôi và khai thác các loài nhuyễn thể hai mảnh như: Nghêu, sò giống trên diện tích 1.000 ha, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Thu hoạch nghêu ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Tân Phú Đông hiện có khoảng 50 phương tiện khai thác, đánh bắt thủy, hải sản xa, gần bờ. Hàng năm đem về nguồn lợi đáng kể cho nền kinh tế địa phương, góp phần nâng cao thu nhập của người dân trong huyện.
Nhìn chung, qua 10 năm thành lập (30/4/2008 -30/4/2018), tiềm năng kinh tế biển của huyện Tân Phú Đông được đánh giá là khá dồi dào, nhưng quy mô và khả năng khai thác lại chưa thật sự tương xứng. Mặc dù cơ sở hạ tầng, cầu, đường giao thông đã từng bước được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư, nâng cấp nhưng cũng chỉ mới đáp ứng được phần nào nhu cầu của người dân. Điều kiện khai thác, đánh bắt, nuôi thủy sản của một bộ phận người dân trên địa bàn huyện vẫn còn khó khăn do thiếu vốn nên quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất hàng hóa, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.
Để phát huy hiệu quả tiềm năng kinh tế biển ở Tân Phú Đông bên cạnh sự phấn đấu của cán bộ và nhân dân huyện nhà thì sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh là hết sức cần thiết. Đây là yếu tố quan trọng góp phần giúp huyện Tân Phú Đông khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển của mình, từ đó từng bước phát triển kinh tế địa phương ngày càng mạnh mẽ và toàn diện hơn.