Chưa ảnh hưởng nhiều đến nuôi thủy sản
Theo Chi cục Thủy sản, từ đầu tháng 2/2016, nước có độ mặn 2‰ đã xâm nhập tới khu vực Tp Mỹ Tho (cách cửa Tiểu 50 km), đến ngày 13/3, nước có độ mặn 2‰ đã xâm nhập tới các vùng nuôi cá tra, cá điêu hồng nuôi bè khu vực huyện Cai Lậy (cách cửa Tiểu 70 km). Dự báo trong thời gian tới, nước mặn tiếp tục lấn sâu vào nội đồng và sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến hoạt động nuôi thủy sản của người dân, đặc biệt là các đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh như tôm nước lợ, cá tra, cá điêu hồng nuôi bè.
Đối với nuôi tôm nước lợ, điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng, độ mặn tăng cao và giá tôm biến động thất thường đã làm cho diện tích nuôi tôm thấp hơn cùng kỳ, nhưng dịch bệnh tôm vẫn nằm ở mức thấp. Đến nay, toàn tỉnh thả nuôi hơn 2.063 ha (chiếm 52,3% diện tích nuôi tôm của tỉnh), diện tích tôm bệnh 124,4 ha (chiếm 6% diện tích đã thả nuôi). Hiện nay, nguồn nước tại một số vùng nuôi tôm tập trung của tỉnh (nhất là khu vực gần biển) có độ mặn từ 18-29‰, độ mặn được dự báo tiếp tục tăng cao và kéo dài đến tháng 6/2016. Nếu độ mặn tại các nguồn nước nuôi tôm tăng cao trên 25‰ sẽ gây biến động các yếu tố môi trường ao nuôi tôm (pH, độ kiềm...), ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng (tôm kém ăn, chậm lớn...), dịch bệnh dễ phát sinh (nguy cơ xuất hiện bệnh hoại tử gan tụy trên tôm là rất cao), chi phí đầu vào tăng.
Đối với hoạt động nuôi cá tra, diện tích thả cá tra giống vụ nuôi mới năm 2016 là 16,1 ha, cộng thêm diện tích nuôi cá tra thả giống từ năm 2015 chưa thu hoạch thì tổng diện tích cá tra đang nuôi là 91,4 ha; sản lượng cá tra thu hoạch 6.687 tấn. Hiện nay, 03 huyện có nuôi cá tra của tỉnh là Chợ Gạo, Châu Thành và Cai Lậy (trừ huyện đầu nguồn Cái Bè) đều bị xâm nhập mặn với độ mặn cao nhất từ 2-5‰ nhưng đến nay cá tra thả nuôi phát triển bình thường. Theo các kết quả nghiên cứu và thực tiễn nuôi cá tra ở khu vực ven biển trước đây thì độ mặn trên 5‰ không ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng của cá nuôi, còn nếu độ mặn tiếp tục tăng cao và kéo dài trên 10‰ có khả năng gây chết cá hàng loạt.
Tại làng bè xã Thới Sơn, Tp Mỹ Tho, ông Phan Thế Nhân, nông dân có 05 bè nuôi cá điêu hồng cho biết: “Độ mặn ở vùng bè nuôi cá điêu hồng khu vực xã Thới Sơn có thời điểm lên tới gần 3‰ nhưng chưa thấy có ảnh hưởng đáng kể đến bè nuôi, nhất là bè cá điêu hồng của tôi trong thời gian qua vẫn bình thường. Vừa qua, khu vực này cũng có một số bè có cá chết nhiều vào thời điểm “nước đứng” do cá nuôi với mật độ cao, bè neo đậu dày đặc nên cá thiếu oxy làm cá chết chứ không phải do ảnh hưởng độ mặn”.
Theo ông Nhân, các nhà nghiên cứu cho biết cá điêu hồng có khả năng chịu được độ mặn cao lên đến hơn 10‰, có thể thích ứng xâm nhập mặn nên độ mặn lên cao gần 3‰ như thời gian qua là không đáng lo. Hiện nay, giá cá điêu hồng loại 600 gram cũng được thương lái mua với giá 32.000 đồng/kg, có nơi lên tới 34.000 đồng/kg và dự báo sẽ tiếp tục tăng cho đến Tết Đoan ngọ (mùng 5/5) do sản lượng cá nước ngọt nuôi ao giảm dưới tác động của hạn hán, xâm nhập mặn.
Chủ động ứng phó với hạn mặn
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài nên tình trạng xâm nhập mặn lấn sâu vào các tuyến sông cao hơn nhiều so với các năm gần đây. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi thì vào ngày 13/3, ở Bến phà Ngũ Hiệp (sông Năm Thôn - xã Ngũ Hiệp huyện Cai Lậy), độ mặn cao nhất đã là 1,5 g/l. Đồng thời theo thông tin dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn thì nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài, đồng thời mức độ xâm nhập mặn cũng sẽ tiếp tục gia tăng theo các kỳ triều cường trong thời gian tới.
Để hạn chế tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đến hoạt động nuôi thủy sản của người dân, đặc biệt là các đối tượng nuôi chủ lực như tôm, nghêu cá tra và cá điêu hồng nuôi bè, ngày 16/3/2016, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan và Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế các địa phương chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nuôi thủy sản.
Trước mắt, Chi cục Thủy sản và Chi cục Thú y cần tăng cường theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi, thực hiện chế độ lấy mẫu (tăng cường) quan trắc, cảnh báo môi trường và mầm bệnh theo kế hoạch và có khuyến cáo kịp thời, thích hợp cho người nuôi đối với vùng nuôi nghêu và tôm ven biển Gò Công.
Ở các vùng nuôi tôm, nếu nguồn nước nuôi đã trên 25‰, khuyến cáo người nuôi không nên lấy nước vào ao thả nuôi vì trong thời gian tới, nắng nóng sẽ kéo dài và độ mặn sẽ tiếp tục gia tăng là những yếu tố ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng, dễ làm phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi. Đối với các vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến, khuyến cáo người dân theo dõi chặt chẽ độ mặn của nguồn nước cấp để hạn chế tình trạng sốc độ mặn khi lấy nước vào đầm nuôi.
Đối với vùng nuôi cá bè thuộc khu vực TP. Mỹ Tho, huyện Cai Lậy và các vùng nuôi, sản xuất giống thủy sản nước ngọt ở các huyện phía Tây, Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu Chi cục Thủy sản tiếp tục theo dõi chặt chẽ, liên tục ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn đối với thủy sản nuôi để kịp thời khuyến cáo hoặc đề xuất phương án khắc phục có hiệu quả do các địa phương này chưa có kinh nghiệm ứng phó với hạn, mặn.
Trung tâm Khuyến nông và các Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, phòng Kinh tế thị xã, thành phố cần phải có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo ở từng vùng nuôi tập trung trên địa bàn quản lý đều có cán bộ có chuyên môn theo dõi, phụ trách liên tục nhằm khuyến cáo và hướng dẫn kịp thời các biện pháp kỹ thuật để hạn chế những tác động bất lợi cho thủy sản nuôi.
Về lâu dài, cần thực hiện rà soát qui hoạch chi tiết phát triển nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh theo hướng thích nghi với xậm nhập mặn (ưu tiên phát triển mô hình tôm-lúa). Đồng thời, nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật sản xuất, ương giống cá tra nghệ (Pangasius kunyit) ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn vì đây là loài cá rộng muối, có khả năng thích nghi với các vùng nhiễm mặn.
Theo tài liệu khoa học, mỗi loài cá đều có khoảng độ mặn thích hợp để sinh trưởng và sinh sản. Hầu hết các loài cá nước ngọt thuộc nhóm hẹp muối, còn số ít loài cá có khả năng chịu đựng độ mặn khá cao, có khả năng ở vùng nước lợ. Sự thay đổi độ mặn bất ngờ có khả năng gây sốc cho cá, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, giảm sức đề kháng của làm cá chậm lớn, dễ phát sinh dịch bệnh. Trong điều kiện nhiễm mặn đột ngột sẽ ảnh hưỡng đến tỷ lệ sống của cá và nếu độ mặn ngưỡng chịu đựng sẽ gây chết cá.