Thiệt hại kép
Dù rủi ro dịch bệnh cao nhưng nhờ tôm nuôi vụ nghịch thường được giá nên nhiều bà con tranh thủ thả tôm sớm để mong có lợi nhuận cao. Năm nay, ngoài vấn đề dịch bệnh diễn biến phức tạp do thời tiết khắc nghiệt, giá tôm rẻ lại càng làm cho người nuôi tôm khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Văn Tài, nông dân nuôi tôm ở xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, cách đây mấy ngày, ao tôm thẻ chân trắng hơn 3.000m2 mới thả nuôi được 25 ngày của gia đình ông có biểu hiện bệnh gan tụy và tôm chết sạch gây thiệt hại hơn 60 triệu đồng. Trước đó, một ao tôm khác của gia đình ông cũng bị bệnh chết khi mới thả nuôi được gần 1 tháng. Theo ông Tài, những ngày qua, thời tiết diễn biến thất thường, xen lẫn với những ngày nắng nóng kéo dài là những cơn mưa trái mùa lớn làm cho tôm nuôi bị sốc nặng, bỏ ăn, sức đề kháng giảm và phát sinh dịch bệnh.
"Đã lỡ đào ao theo nghề nuôi tôm rồi nên bắt buộc phải theo nghề, bởi chỉ có tôm mới gỡ được tôm thôi! Tuy nhiên, năm nay thấy tôm khó nuôi quá, nuôi vụ nào bị bệnh vụ nấy, lại thêm phần giá tôm đầu vụ liên tục sụt giảm nên tôi không dám thả nuôi nữa. Giờ chỉ chờ mưa xuống để thời tiết ổn định trở lại, cộng với theo dõi diễn biến giá tôm nguyên liệu thế nào mới dám thả nuôi tiếp. Nếu tình hình giá tôm năm nay không khả quan thì chúng tôi có thể nghĩ đến chuyện tạm ngưng thả nuôi đến cuối năm”, ông Tài chia sẻ.
Theo ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, do thời tiết diễn biến phức tạp gây bất lợi cho tôm nuôi nên lịch thả giống vụ tôm năm 2015 trễ hơn so với mọi năm. Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 220 ha tôm nuôi bị dịch bệnh trong gần 2.900 ha tôm thả nuôi. Còn theo Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh ĐBSCL, từ đầu năm đến nay các các địa phương đã thả nuôi gần 200.000 ha nhưng do nắng nóng kéo dài xen lẫn với những cơn mưa lớn trái mùa làm cho môi trường nước các ao tôm khó quản lý, tôm nuôi dễ phát sinh dịch bệnh… khiến cho hơn 19.500 ha tôm nuôi bị thiệt hại trong giai đoạn 20-40 ngày thả nuôi.
Chưa hết, người nuôi tôm nước lợ càng khó khăn hơn khi giá tôm nguyên liệu từ đầu năm đến nay có xu hướng sụt giảm dù sản lượng tôm nội địa cung cấp cho thị trường chưa nhiều. Ông Phan Hữu Hội, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Tiền Giang cho biết, hiện nay diện tích tôm nuôi thu hoạch chưa nhiều nhưng giá tôm nguyên liệu các loại đang xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tôm sú loại 30 con/kg hiện có giá 190.000-210.000 đồng/kg (giảm mạnh so với mức 280.000-300.000 đồng/kg), loại 40 con/kg hiện có giá 160.000-180.000 đồng/kg (giảm mạnh so với mức 250.000-280.000 đồng/kg)… Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá chỉ 72.000-75.000 đồng/kg (giảm mạnh so với mức 110.000 đồng/kg trong năm trước), tôm loại 60 con/kg cũng chỉ có giá 92.000-100.000 đồng/kg (giảm mạnh so với mức 120.000-125.000 đồng/kg)… Nhiều nông dân nuôi tôm ở Tiền Giang cho biết, với giá tôm hiện nay, cho dù nông dân có nuôi tôm đạt cỡ thu hoạch thì cũng bị lỗ nặng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nguyên nhân khiến giá tôm xuống thấp là do sản lượng tôm nuôi ở một số nước cung cấp tôm lớn trên thế giới như Thái Lan đã phục hồi sau khi khắc phục tốt được đại dịch EMS (hội chứng tôm chết sớm). Chính vì vậy, giá tôm tăng mạnh trong suốt 2 năm qua do nguồn cung thiếu hụt đã bắt đầu giảm và được dự báo là sẽ duy trì xu hướng giảm trong suốt năm nay.
Hạn chế thiệt hại do dịch bệnh
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang, năm 2015, thời tiết dự báo diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của những cơn mưa trái mùa hay chuyển mùa với lượng mưa lớn gây ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, nhất là hoạt động nuôi tôm nước lợ. Do đó, người nuôi tôm cần quan tâm theo dõi những bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng thủy văn, từ đó chủ động hơn trong việc ứng phó với những cơn mưa trái mùa, có những giải pháp phòng tránh thiệt hại do những cơn mưa trái mùa gây ra nhằm góp phần thắng lợi vụ tôm nước lợ năm 2015.
Nhằm góp phần hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh, giảm thiệt hại cho người nuôi tôm, ngành Nông nghiệp tỉnh vừa có Công văn số 491/SNN&PTNT-TY đề nghị UBND các huyện quan tâm, tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng thông báo rộng rãi kết quả giám sát mầm bệnh của Chi cục Thú y để người nuôi tôm trong huyện, xã biết và chủ động phòng ngừa. Đối với người nuôi tại các khu vực có mẫu nhiễm đốm trắng cần hạn chế việc lấy nước vào ao, nếu cần thiết phải bổ sung nước cho ao nuôi thì phải xử lý diệt mầm bệnh một cách triệt để.
Đồng thời, triển khai việc cấp sổ theo dõi nuôi thủy sản cho hộ nuôi tôm, tăng cường giám sát tình hình tôm nuôi và dịch bệnh để hợp tác với cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong vận chuyển tôm giống nhập vào địa bàn huyện nhằm hạn chế việc lây lan mầm bệnh. Đối với những hộ nuôi chưa thả giống, cần khuyến cáo người nuôi tạm thời chưa nên thả nuôi tôm trong thời gian này cho đến khi tình hình thời tiết và mầm bệnh thuận lợi hơn.
Đối với những hộ đã thả nuôi vụ tôm năm 2015, cần theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe tôm và các yếu tố môi trường ao tôm để kiểm soát dịch bệnh và có biện pháp xử lý mầm bệnh kịp thời khi dịch bệnh xảy ra. Khi phát hiện tôm nuôi bị bệnh cần kịp thời thông báo cho cán bộ thú y địa phương để xác định bệnh và tiến hành dập dịch trước khi xả nước thải ra các kênh rạch tự nhiên.
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào đặc biệt là con giống; tôm giống thả nuôi phải đảm bảo đạt kích cỡ (cỡ giống tối thiểu đối với tôm sú và là Post larvae 15, tôm thẻ chân trắng là Post larvae 12), được kiểm dịch và kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu bởi cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, khuyến cáo người nuôi thực hiện quy trình kỹ thuật nuôi tôm an toàn trong vùng dịch bệnh tại Công văn số 10/TCTS-NTTS ngày 06/01/2015 của Tổng cục Thủy sản, trong đó chú ý cải tạo ao nuôi, ao chứa đúng quy trình, gây màu nước, chọn giống thả giống đúng cách, quản lý chặt chẽ lượng thức ăn và môi trường ao, thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tôm theo quy định.