Đứt ruột nhìn nghêu chết
Theo số liệu thống kê từ bản tự khai thiệt hại của người nuôi nghêu của UBND xã Tân Thành, diện tích nghêu nuôi bị thiệt hại tính đến ngày 17.3 gần 1.150ha. Tỷ lệ nghêu chết từ 50-70%, thậm chí có hộ nghêu chết 100%. Tổng sản lượng nghêu chết gần 14.300 tấn với giá trị thiệt hại ước tính khoảng 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo cách tính của người dân, thiệt hại về kinh tế ước tính phải 500 tỷ đồng bởi nếu nghêu không chết, sản lượng phải gấp đôi so với thời điểm này.
Ông Trần Văn Vinh – một người nuôi nghêu lâu năm ở biển Tân Thành buồn thiu, kể: “Tôi và ông Bảy Sơn góp vốn đâu tư cho gần 20ha nghêu. Chưa kịp thu hoạch thì nghêu chết trắng cả bãi, thiệt hại khoảng 350 tấn. Với giá bình quân 30.000 đồng/kg, tôi và ông Sơn mất đứt 10 tỷ đồng”. Kế bãi nghêu của ông Vinh, lão ngư Đặng Văn Lần, 84 tuổi, như không tin vào mắt mình khi chỉ trong vòng vài ngày, bãi nghêu của ông chết gần hết. Ông Lần nói: “Tôi có hơn 25 năm nuôi nghêu và nhưng chưa khi nào thấy cảnh nghêu chết như hiện nay. Với 8,2ha, tôi mất 150 tấn nghêu”.
Ông Nguyễn Văn Nhịn cho biết, ông và mấy người bạn góp 12 tỷ đồng thuê 40ha mặt nước nuôi nghêu. Đầu vụ, nghêu lớn nhanh như thổi. Ông và nhóm bạn thông báo cho công ty xuống xem hàng, chuẩn bị xuất cả ngàn tấn nghêu (năng suất bình quân 25 tấn/ha) thì nghêu chết trắng biển.
Do chất thải công nghiệp?
Năm 2011, người nuôi nghêu Tân Thành thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng do nghêu chết. Thời điểm đó, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, các viện, trường vào cuộc xác định tác nhân chính gây nghêu chết. Nhiều cơ quan đã cùng vào cuộc, nhưng kết quả cuối cùng mà Tổng cục Thủy sản công bố chỉ là “vi khuẩn nội bào Perkinsus sp cùng với độ mặn cao là một trong những tác nhân gây chết nghêu”. Năm 2012, không biết tảo này có xuất hiện hay không nhưng nghêu vẫn phát triển bình thường.
Mấy ngày qua, nghêu lại chết và cơ quan chức năng chưa thể khẳng định nguyên nhân. Kết quả quan trắc môi trường tại vùng nuôi nghêu tập trung ven biển Tân Thành của Chi cục Thủy sản Tiền Giang cho thấy, các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ mặn, pH, COD… đều nằm trong giới hạn sinh trưởng và phát triển bình thường của nghêu nuôi.
Ông Trần Văn Vinh cho rằng: “Vùng đất này nằm gần cửa sông Soài Rạp nên chúng tôi nghi nước bị ô nhiễm bởi các khu công nghiệp thải ra. Hễ cứ có gió chướng (gió mùa đông bắc – PV) là có hiện tượng nghêu chết. Tôi nghi ngờ chất thải nằm lắng ven biển, gặp gió nên trôi vào bãi và các sân nghêu bị ảnh hưởng”.
Ông Đặng Văn Lần “Không chỉ người nuôi nghêu thiệt hại mà cả ngàn người dân xung quanh đây cũng mất thu nhập do không có việc làm. Ngay tại ấp Cầu Muống, xã Tân Thành mà tôi đang ở, có hơn 40 người phải đi tỉnh khác xin làm công nhân”.