Theo báo cáo của các địa phương trên, từ đầu năm đến nay, tổng diện tích mặt nước đưa vào nuôi thủy sản nước mặn ven biển đã lên đến trên 4.000 ha; trong đó diện tích nuôi nghêu 2.000 ha còn lại là nuôi tôm sú, tôm thẻ vụ I năm 2018. Hiện nay, tôm, nghêu đang phát triển tốt, tôm và nghêu thương phẩm có giá nên bà con rất phấn khởi.
Theo ông Trần Quang Thành, nông dân xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông cho biết, trong vụ I năm 2018, gia đình ông thả nuôi trên diện tích 2 ha mặt nước. Tôm nuôi qua theo dõi phát triển tốt, dự kiến thu hoạch vào tháng 5 tới. Hiện nay, tôm sú loại I tại vùng nuôi Gò Công Đông có giá gần 200.000 đồng/kg còn tôm thẻ loại I cũng có giá từ 135.000 - 145.000 đồng/kg. Với giá này người nuôi tôm có lãi lớn.
Ông Thành cũng cho biết, do vào đầu vụ nuôi nên nguồn cung còn rất hạn chế bởi hầu hết các ao nuôi đều chưa đến kỳ thu hoạch. Ở vùng nuôi ven biển huyện Gò Công Đông, ông Trần Quang Thành nổi tiếng là người nuôi tôm giỏi, hàng chục năm qua đều nuôi tôm thành công, bội thu.
Ông Nguyễn Văn Lời, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông có 1 ha mặt nước nuôi tôm sú. Ông Lời cho biết, trong năm vừa qua, ông thu hoạch 2 tấn tôm sú thương phẩm, bán trừ chi phí còn lãi ròng 100 triệu đồng. Nhờ con tôm sú, gia đình ông đã có cuộc sống ổn định, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió ven biển Tân Phú Đông. Hiện nay, gia đình ông cũng bắt đầu thả nuôi tôm sú trong vụ nuôi 2018.
Với bờ biển dài 32 km, huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông tiếp giáp với biển Đông, có tiềm năng lớn về nuôi trồng thủy đặc sản nước mặn, lợ trong các mô hình nuôi thích ứng biến đổi khí hậu như: nuôi thâm canh, nuôi bán thâm canh, nuôi quảng canh, kết hợp nuôi tôm và trồng lúa trong mô hình một vụ tôm và một vụ lúa mỗi năm…
Theo đó, nuôi tôm quảng canh tại vùng ven biển Tân Phú Đông đã lên đến trên 3.000 ha và nuôi theo mô hình tôm kết hợp trồng lúa trên 500 ha. Đây là những mô hình nuôi có nhiều ưu điểm, phát huy được tiềm năng đất đai, lao động mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.
Còn huyện Gò Công Đông đã định hình vùng nuôi nghêu trên 2.000 ha ở biển Tân Thành gắn với phát triển du lịch biển đang mở ra cơ hội mới cho nông dân miền biển trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống vững chắc vừa đổi mới diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Năm 2018, chỉ riêng hai huyện ven biển của tỉnh Tiền Giang kể trên có kế hoạch mở rộng diện tích nuôi thủy sản nước mặn trên 10.000 ha và sản lượng thu hoạch trên 90.000 tấn phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Riêng về con nghêu, từ đầu năm đến nay, nông dân vùng chuyên canh Tân Thành, huyện Gò Công Đông đã thu hoạch được khoảng 4.000 tấn sản phẩm.