Những phi vụ gây thất thoát tiền tỷ
Năm 2007, nhận thấy việc mua lại phần vốn ở Cty liên doanh Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc “Proconco” sẽ mang lại hiệu quả cao, ông Võ Phước Hòa (chủ tịch HĐQT Seaprodex) đã có văn bản ngày 19/11/2007 xin ý kiến thành viên HĐQT về việc mua bán cổ phần tại Proconco. Thế nhưng, trước đó một năm, phi vụ này đã được ông Hòa thực hiện xong?. Cụ thể là ngày 29/11/2006 ông Hòa đã tự ký kết thực hiện một lúc 2 hợp đồng (HĐ) dịch vụ tư vấn “môi giới” mua bán cổ phần tại Proconco với ông Jean Paul Roca ở hai tư cách (một là đại diện cho Cty TNHH quản lý nguồn công nghiệp Việt Âu với trị giá HĐ là 300.000 USD, hai là tư cách cá nhân ông Jean Paul Roca với HĐ trị giá là 5% cổ phần tại Proconco tương đương 6 triệu USD tính theo thời giá). Điểm mờ ám là hai hợp đồng này đều cùng một nội dung, nhưng số hợp đồng khác nhau (HĐ 121-2006 và HĐ 12.1-2006). Đặc biệt là sự chênh lệch giá tư vấn giữa 300.000 USD và 6 triệu USD.
Câu hỏi đặt ra là vì sao ông Hòa lại xin ý kiến thành viên HĐQT Seaprodex khi vụ việc mua bán đã thực hiện xong?. Tại sao phải tốn 2 lần phí cho 2 hợp đồng tư vấn nhưng chỉ với một người và một mục đích, trong đó cá nhân ông Jean Paul Roca đã hưởng không 5% cổ phần?. Tiếp đó, HĐQT chỉ cho phép ông Hòa mua thêm, chứ không cho bán nhưng thực tế ông Hòa đã trái lệnh bằng chính việc thực hiện vừa mua vừa bán cổ phần Proconco trước đó. Như vậy trong thương vụ Proconco, ông Hòa đã chi tiền tư vấn môi giới cho hợp đồng 12.1 (trị giá 300.000 USD) là trên 1,8 tỷ đồng tiền mặt; và chi cho hợp đồng 121 (trị giá 5% cổ phần) là 217.830 cổ phần, tương đương số tiền 1.785.560 USD (theo giá bán vào thời điểm đó). Tức gây thiệt hại cho Seaprodex trên 1,7 triệu USD. Vậy liệu ông Hòa có lợi gì khi phải chống lệnh HĐQT và cả việc biếu không một số tiền lớn trên 1,7 triệu USD cho ông Jean Paul Roca?. Hiện nay, ông Hòa đang ở cương vị là phụ trách Hội đồng thành viên của Seaprodex.
Ở phi vụ khác, ông Trần Tấn Tâm, Tổng giám đốc Seaprodex đã ra QĐ đầu tư trái ngành. Cụ thể là QĐ 1172 cho phép Seaprodex mua 1 triệu cổ phiếu của Cty CP Cotecland trị giá 11,2 tỷ đồng. Việc đầu tư này đã vi phạm nghiêm trọng Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ. Không những thế, khoản đầu tư vào cổ phiếu Cotecland đã gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho Seaprodex. Tính giá trị giao dịch ngày 6/12/2012 của cổ phiếu Cotecland là 4.300 đồng/cổ phiếu, như vậy với 1 triệu cổ phiếu thì đã bị thua lỗ 7 tỷ đồng.
Lộ rõ các sai phạm dẫn đến nguy cơ mất vốn Nhà nước
Tại bản kết luận thanh tra của Bộ NN&PTNT số 466 ngày 4/2/2013 nêu rõ: Trong thời gian từ 1/4/2011 đến 30/10/2012 Seaprodex đã cho 3 Cty con và 2 Cty liên kết vay số tiền là 98 tỷ đồng, thu lợi 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tổng Cty thực hiện nghiệp vụ cho vay là chưa đúng đăng ký kinh doanh và có nguy cơ rủi ro mất vốn Nhà nước cao, gây hậu quả xấu cho các Cty. Như vậy, khoản lợi nhuận 5 tỷ đồng từ hoạt động cho vay trái phép, Seaprodex được hưởng hay phải thu hồi cho ngân sách Nhà nước? Điều này không thấy Bộ NN&PTNT đề cập?
Riêng những khoản nợ khó đòi cũng thể hiện rõ dấu ấn điều hành yếu kém của người đứng đầu như: Năm 2006 với vai trò là Phó giám đốc Cty XNK Thủy sản Miền Trung (Seaprodex Miền Trung), ông Trần Tấn Tâm đã trực tiếp ký kết hợp đồng và gây thất thoát vốn Nhà nước trên 9,3 tỷ đồng, trong đó riêng Cty TNHH Tự Lập nợ quá hạn thanh toán trên 445.000 USD tương đương trên 7,4 tỷ đồng. Những sai phạm này đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát ký kết luận vào ngày 3/12/2012 nhằm thu hồi số tiền đã bị thất thoát từ 05 năm trước. Đồng thời Bộ Tài chính cũng đã có văn bản số 1156/BTC-TCDN đôn đốc thu hồi tài sản nhà nước nhưng đến nay vẫn không thu hồi được. Đặc biệt, trong báo cáo tài chính năm 2010 có đoạn nêu rõ là Công ty Seaprodex Miền Trung lại thanh toán cho Công ty TNHH Tự Lập khoản phải trả trên 983 triệu đồng. Vì sao lại có chuyện lạ thường như thế?. Trong khi nợ tồn đọng chưa lấy được mà phải trả thêm tiền cho con nợ?. Vậy ai là người duyệt cho việc trả tiền? Thêm một khuất tất cần làm rõ.
Đến giai đoạn 2007-2011 khi ông Tâm với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Seaprodex Miền Trung thì lại tiếp tục cho khách hàng nợ nhiều số tiền quá lớn (cụ thể như năm 2008 là 291 tỷ đồng, năm 2009 là 310 tỷ đồng, năm 2010 là 253 tỷ đồng) mà đa phần không có tài sản thế chấp dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn hàng loạt.
Đến ngày 15/3/2011, ông Tâm lại bất ngờ được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Tổng Cty Thủy sản Việt Nam trong khi những sai phạm và hàng loạt yếu kém chưa kịp xử lý. Tuy nhiên, những yếu tố này đã dần bộc lộ rõ như luôn không hoàn thành kế hoạch được giao trong 2 năm liền: chế biến thủy sản năm 2012 chỉ đạt 70,6% so với kế hoạch, năm 2011 là 82,9%. Lợi nhuận trước thuế năm 2012 chỉ đạt 67% so với kế hoạch, năm 2011 là 63%. Còn lợi nhuận trước thuế 2011 bằng 95% so với năm 2010. Số lượng Cty con thua lỗ ngày càng nhiều, kết thúc năm 2012, có 6/9 Cty con hoạt động thua lỗ.
Những việc làm sai trái, gây hậu quả xấu tại Seaprodex đã xảy ra từ lâu. Công luận hy vọng Bộ NN& PTNT sẽ tiếp tục tiến hành xử lý nghiêm túc những cán bộ lãnh đạo sai phạm trong công tác quản lý ở Seaprodex, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể và kiến nghị xử lý đối với các sai phạm theo qui định của pháp luật. Đồng thời thu hồi kịp thời tài sản của Nhà nước đã và đang bị thất thoát.
Mới đây, ngày 11/4/2013, Tổng Kiểm Toán Nhà nước cũng đã có quyết định kiểm toán Tổng Cty Thủy sản Việt Nam và các Cty TNHH Một thành viên trong thời hạn 70 ngày kể từ ngày công bố quyết định kiểm toán tại đơn vị.