Chủng Vibrio parahaemolyticus là một loài vi khuẩn gram âm, tồn tại trên nhiều động vật phù du, cá, tôm hay các động vật có vỏ và thậm chí ở những sản phẩm thủy sản đã được sơ chế. Đây cũng là một mầm bệnh thường gặp trên tôm thẻ chân trắng, các sản phẩm tươi sống hay đông lạnh của nghề chế biến, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho ngành thủy sản. Đặc biệt hơn khi con người ăn phải những sản phẩm có chứa vi khuẩn này, sẽ gây ra những triệu chứng viêm ruột và dạ dày cấp tính, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, hoặc các triệu chứng nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng máu.
Phương pháp điều trị vẫn thường dùng để hạn chế tác hại của vi khuẩn này đó là kháng sinh. Nhưng sự kháng kháng sinh là một vấn đề hết sức đáng ngại trên toàn thế giới hiện nay. Do đó, một số nghiên cứu về các chất thay thế kháng sinh đang được thiết lập trong những năm gần đây. Nhiều chuyên gia đã báo cáo, các hợp chất kháng khuẩn có nguồn gốc từ thực vật, sẽ có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều mầm bệnh. Những hợp chất này có khả năng tăng cường sức khỏe tôm, tạo ra các đặc tính bảo vệ tôm chống lại viêm sưng và các bệnh mãn tính, cũng như chống oxy hóa. Đặc biệt là thúc đẩy hệ miễn dịch của tôm đủ sức đẩy lùi các vi khuẩn gây bệnh ra khỏi cơ thể.
Việc sử dụng các hợp chất từ tự nhiên là một chiến lược quan trọng để kiểm soát mầm bệnh gây hại trên thủy sản. Những hợp chất này sẽ gây ảnh hưởng đến cấu trúc của tế bào vi khuẩn, thành, màng cũng như các cấu trúc nội bào bên trong. Các chiết xuất trong quả việt quất đã được nghiên cứu và chứng minh là ức chế được các chủng vi khuẩn Listeria monocytogenes và Salmonella enteritidis. Những thử nghiệm này chủ yếu tập trung vào các vi khuẩn ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy tác động của việt quất đến các mầm bệnh gây hại trên tôm nuôi thương phẩm vẫn chưa có những cơ sở chắc chắn. Nên nghiên cứu này tập trung vào việc làm sáng tỏ cơ chế kháng khuẩn của những chiết xuất trên trên vi khuẩn v.parahaemolyticus gây hại cho tôm thẻ.
Rất nhiều nghiên cứu cũng chứng minh rằng, có vô số thành phần từ tự nhiên có khả năng ức chế sự lây lan và phát triển của vi khuẩn trên các sản phẩm thủy sản. Các chiết xuất từ thảo dược đã được tìm thấy rất nhiều, trong đó có dihydromyricetin, chất này sẽ phá hủy màng tế bào của vi khuẩn, có hoạt tính chống lại V.parahaemolyticus rõ ràng. Và quả việt quất chính là một nguồn cung cấp tuyệt vời. Dihydromyricetin có đặc tính kiềm khuẩn mạnh hơn cả kháng sinh, không chỉ ức chế trực tiếp sự phát triển và sống sót của vi khuẩn mà còn sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố độc lực và kháng bệnh.
Màng tế bào là bộ phận rất quan trọng để duy trì cấu trúc của vi khuẩn, nó như một hàng rào chắn với chức năng thấm chọn lọc, bảo vệ vi khuẩn khỏi các tác nhân và để chúng hấp thu chất dinh dưỡng duy trì sự phát triển. Các dung dịch nội bào, bao gồm axit nucleic, protein và các chất khác, sẽ dễ dàng bị rò rỉ ra ngoài khi màng tế bào này bị phá vỡ. Những chiết xuất trong việt quất sẽ phá tan bức tường bảo vệ này, hủy hoại cấu trúc màng, làm hỏng acid nucleic và protein bên trong. Ngoài ra còn thay đổi áp suất thẩm thấu giữa bên trong và bên ngoài tế bào, gây ảnh hưởng đến quá trình phiên mã và tái cấu trúc DNA trong tế bào của vi khuẩn.
Những hoạt chất này có hoạt tính oxy hóa tuyệt vời, có lợi cho quá trình trao đổi chất và hỗ trợ chức năng đường ruột. Cộng thêm tính chất kháng viêm và có thể làm giảm sản xuất lượng độc tính trong tế bào. Về mặt kháng khuẩn, ngoài tác dụng phá hủy màng, các chiết xuất còn làm màng này bị vô hiệu hóa, không bám vào được vào bề mặt vật chủ. Thêm nữa là khả năng ức chế mầm bệnh trong đường ruột và bảo tồn hiệu quả của men vi sinh. Đặc biệt hơn, những thành phần trong việt quất còn được nghiên cứu thêm là có hoạt tính kháng virus, ức chế quá trình nhân lên và sao chép của virus.
Quả việt quất đã chứng minh được chức năng kháng khuẩn, kiểm soát vi khuẩn gây bệnh. Do đó, những chiết xuất này có tiềm năng để phát triển trong tương lai như một chất bảo quản tự nhiên và rất an toàn. Tuy vậy cũng cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn để có thể có những giả thuyết chắc chắn khi đưa việt quất vào sử dụng cho công cuộc kháng khuẩn trên tôm nuôi.