Hàng năm, bắt đầu tháng 4 đến cuối tháng 7 là thời điểm các loài hải đặc sản đang trong mùa sinh sản. Vì vậy, năm nào Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận cũng ra thông báo cấm từ ngày 1.4 - 31.7. Theo đó, cấm khai thác các loài hải đặc sản nhuyễn thể hai mảnh vỏ gồm: Sò Lông, Điệp, Dòm nâu, Bàn Mai, Nghêu lụa trên toàn vùng biển Bình Thuận. Huyện Tuy Phong cũng ra thông báo, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân, khai thác, thu mua, vận chuyển, chế biến và kinh doanh các loài hải đặc sản cấm này.
Xã Phước Thể và Chí Công là 2 vùng biển có nhiều loài hải đặc sản như Sò, Điệp và Ốc các loại. Tuy nhiên, hiện nay một số xã, thị trấn ngư dân vẫn lén lút hành nghề, các cơ sở thu mua và phương tiện vẫn hoạt động. Mặc dù đã được địa phương tuyên truyền rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nhưng họ vẫn không chấp hành quy định, thậm chí có thái độ chống đối, cản trở đoàn kiểm tra. Bắt chỗ này họ chuyển chỗ khác để tập kết và chế biến. Khi đoàn kiểm tra phát hiện lập biên bản vi phạm thì họ chửi bới, đổ sò ra khỏi bao và vứt tung tóe nhằm gây khó khăn cho đoàn thu giữ tang vật.
Tại các bến bãi neo đậu tàu thuyền của 2 xã Chí Công, Phước Thể khoảng 2 giờ chiều trở đi, vẫn còn nhiều thuyền thúng hành nghề lặn, đem vô bán các loại sò ốc. Các chợ đầu mối của huyện Tuy Phong vẫn có nhiều loại sò, ốc bày bán công khai hàng ngày.
Mặc dù ngư dân vẫn biết nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dần do khai thác bừa bãi. Hàng năm địa phương có quy định cấm nhưng vì cuộc sống nên họ cứ lén lút khai thác.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phong, từ đầu mùa cấm đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, công an huyện và công an tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm và ra quyết định xử phạt 83 triệu đồng, tịch thu tang vật 9,1 tấn hải đặc sản các loại.
Trong thời gian đến, Đoàn Kiểm tra liên ngành của huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý mạnh các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm. Tái tạo nguồn lợi hải đặc sản, nhất là loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Để Tuy Phong luôn là một trong ba ngư trường lớn của Bình Thuận.