Rất nhiều doanh nghiệp và người nuôi cá tra gặp nhiều khó khăn về vốn, giá cá nguyên liệu giảm, người nuôi thua lỗ.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về những giải pháp tháo gỡ tháo gỡ khó khăn này.
- Hiện rất nhiều người dân cũng như doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra đang gặp khó khăn, đặc biệt về vốn. Ông đánh giá thể nào về tình trạng này?
Về những khó khăn của người nuôi cũng như doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, Bộ đã biết rõ và đã trực tiếp đến địa phương để nắm rõ tình hình thực tế. Như mọi năm, nếu ngân hàng có lòng tin với doanh nghiệp và người nuôi thì sẽ không có vấn đề lớn về vốn, chỉ cần tháo gỡ khó khăn về lãi suất và cơ cấu nợ sẽ giải quyết được.
Tuy nhiên, sau những vụ phá sản của nhiều doanh nghiệp thủy sản, lòng tin của ngân hàng với doanh nghiệp chế biến cũng như người nuôi với doanh nghiệp đã không còn bảo đảm. Các ngân hàng thấy rằng các doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn nhưng lại đầu tư cho trung hạn và dài hạn.
- Vậy Bộ đã có giải pháp gì để tháo gỡ những khó khăn trên cho doanh nghiệp và người nuôi thủy sản?
Trên cơ sở những khó khăn đó, Bộ đã cùng với các đơn vị chức năng, hiệp hội, ngân hàng... đề xuất Chính phủ các gói giải pháp, chính sách đối với người nuôi và doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra.
Về các gói giải pháp, Bộ đề xuất theo hướng hỗ trợ tập trung, giải quyết khó khăn cho người nuôi được vay vốn để tiếp tục duy trì sản lượng đã thả nuôi từ nay đến cuối năm làm sao hoàn thành kế hoạch đặt ra. Khi những khó khăn của người nuôi được giải quyết phần nào, người nuôi sẽ tiếp tục đầu tư nuôi cho kế hoạch năm 2013.
Thứ nhất là với những người nuôi nhỏ lẻ, mang tính chất độc lập, chưa có sự liên kết chặt với doanh nghiệp chế biến hiện đang nắm khoảng 50% sản lượng, Bộ đề nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn bằng cách giúp người nuôi tiếp cận được lãi suất thấp như các ngân hàng đã công bố, đồng thời có gói riêng với lãi suất thấp hơn để hỗ trợ bớt khó khăn cho người nuôi để duy trì diện tích đã thả nuôi.
Gói thứ hai là hỗ trợ cho doanh nghiệp mua cá tra nguyên liệu của những hộ nuôi mà doanh nghiệp liên kết có ký hợp đồng. Với hỗ trợ này, Bộ đề xuất trên cơ sở doanh nghiệp vay ngân hàng nhưng ngân hàng sẽ thanh toán trực tiếp cho hộ dân chứ không đưa cho doanh nghiệp rồi thanh toán cho người dân. Gói giải pháp này nhằm mục đích giúp cho doanh nghiệp tiêu thụ hết cá của người dân.
Gói thứ ba là hỗ trợ cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra có vùng nuôi. Bộ đã cùng với ngành, hiệp hội thống nhất cao chủ trương này. Còn mức hỗ trợ cụ thể thế nào thì vẫn chờ quyết định cụ thể của Chính phủ. Gói giải pháp này chỉ hỗ trợ doanh nghiệp từ nay đến tháng 12/2012.
- Về lâu dài, theo ông, ngành thủy sản cần có những giải pháp nào để đưa con cá tra tiến tới phát triển bền vững?
Ngành cần có 3 nhóm giải pháp lớn. Thứ nhất phải tổ chức lại thị trường xuất khẩu theo hướng đảm bảo chất lượng, có thương hiệu cá tra đồng thời cảnh báo không nên có quá nhiều doanh nghiệp cùng chào bán một thị trường để tránh sự cạnh tranh lẫn nhau.
Thứ hai tổ chức lại sản xuất trong nước theo chuỗi sản phẩm liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi, khuyến khích các quy trình nuôi tốt.
Thứ ba là giải pháp về khoa học công nghệ. Tăng cường khoa học công nghệ để làm tăng hàm lượng giá trị gia tăng cũng như chất lượng đầu vào và giảm giá thành sản xuất.
- Xin cảm ơn ông!