1. Cá bổi gặp khó ở Cà Mau
Trước đây có thời điểm giá cá bổi loại 1 bán ra thị trường từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm tăng lên gần 100.000 đồng nay giảm chỉ còn một nửa.
Kể từ năm 2016 đến nay, mặt hàng cá bổi của huyện tiêu thụ gặp khó khăn, giá sụt giảm mạnh. Nguyên nhân là do có tình trạng địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bán với mức giá thấp, khiến giá cá bổi của huyện bị sụt giảm mạnh.
Theo thông tin TTXVN ngày 26/6/2019
2. Bạc Liêu: Tập huấn kỹ thuật nuôi tôm theo VietGAP
Ngày 19/6 - 21/6/2017, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu tổ chức lớp tập huấn "Kỹ thuật nuôi tôm theo VietGAP".Tham dự khóa học có 30 học viên là cán bộ kỹ thuật và cộng tác viên khuyến nông của các huyện Hòa Bình, Đông Hải, thị xã Giá Rai và thành phố Bạc Liêu.
Nội dung khóa tập huấn bao gồm: giới thiệu tổng quan và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, quản lý nuôi trồng thủy sản, quản lý tôm nuôi, quản lý môi trường do hoạt động nuôi trồng thủy sản gây ra, các khía cạnh kinh tế xã hội, kỹ năng của cán bộ khi tuyên truyền VietGAP, hướng dẫn ghi chép, quản lý hồ sơ ao nuôi. Qua đây cũng giúp các học viên nắm được cơ bản các kỹ thuật để nuôi tôm theo VietGAP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập bền vững, đáp ứng nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Qua hai ngày học tập, trao đổi trên lớp, các học viên có một ngày đi thực tế mô hình nuôi tôm an toàn thực phẩm tại Hợp tác xã 30-4, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình.
3. Bình Định: Tuy Phước thắng lợi từ tôm
Tại những vùng nuôi tôm ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng và thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tình hình nuôi trồng của người dân có nhiều dấu hiệu tích cực. Với sản lượng thu hoạch tôm toàn huyện trong vụ 1 năm 2017 đạt 771 tấn, năng suất bình quân 8 tạ/ha.
Ông Phạm Quang Ân, Phó Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước chia sẻ, trong vụ 1, toàn huyện có trên 971 ha mặt nước đưa vào nuôi tôm, trong đó có 100 ha nuôi theo phương thức bán thâm canh, còn lại nuôi quảng canh cải tiến, đánh tỉa thả bù. Đến thời điểm này, bà con đã thu hoạch trên 95% diện tích.
4. Kiên Giang: Nhanh chóng hỗ trợ hộ nuôi thủy sản
Từ ngày 5 - 11/5, tại khu vực ven biển huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên đã xảy ra hiện tượng thủy sản chết hàng loạt. Theo thống kê, huyện Kiên Lương có hơn 3.000 tấn nghêu, sò huyết, sò lông và hơn 23.000 cá nuôi lồng bè bị chết, ước thiệt hại gần 69 tỷ đồng; còn tại thị xã Hà Tiên có 17 hộ nuôi nghêu bị thiệt hại trên diện tích 42,5 ha, sản lượng khoảng 139 tấn. Ước thiệt hại chung ban đầu lên đến gần 70 tỷ đồng.
Kết quả phân tích mẫu nước và mẫu động thủy sản của các cơ quan chuyên môn có thể nhận định, nguyên nhân gây thủy sản chết hàng loạt có nhiều khả năng là do nguồn nước biển ở khu vực này tại thời điểm đó bị ô nhiễm cục bộ bởi hiện tượng tảo “nở hoa” sinh độc tố và gây thiếu ôxy vào ban đêm. Kết quả phân tích của các cơ quan chuyên môn cũng loại trừ yếu tố do biến đổi thời tiết bất thường, ô nhiễm môi trường trên diện rộng (thủy triều đỏ) và dịch bệnh trên động vật thủy sản. Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, cần tiếp tục nghiên cứu xác định tác nhân, nguồn gốc gây ô nhiễm thực sự...
Theo Tổng cục Thủy sản, loài tảo Leptocylindrus danicus hiện diện với mật độ cao (304.200 - 1.668.600 tế bào/l) gây hiện tượng “nở hoa” làm thiếu ôxy cục bộ vào ban đêm, dẫn đến tình trạng thủy sản chết hàng loạt.
5. Sóc Trăng: Khá lên nhờ tôm – lúa
Ở ấp Hòa Đê đã ra đời HTX Nông ngư Hòa Đê có 61 thành viên với 73 ha tôm - lúa, sản xuất theo tiêu chuẩn sạch: không dùng hóa chất, kháng sinh. Giám đốc Mã Văn Hồng giới thiệu, các thành viên tuyệt đối không dùng hóa chất và kháng sinh từ năm 2013, chỉ sử dụng men vi sinh và khi tôm nhiễm bệnh thì dùng tỏi để trị. Mùa khô nuôi tôm và cá, còn mùa mưa làm lúa cũng không sử dụng thuốc hóa học, không cả cày bừa đáy ao.
Giám đốc Hồng mở sổ đọc kết quả sản xuất của HTX trong năm 2016. Tổng diện tích 73 ha: nuôi tôm thẻ chân trắng 45 ha, tôm sú 18 ha, và vụ lúa sạ 29 ha. Nuôi tôm thẻ chân trắng thả giống mật độ dưới 30 con/m2, nuôi 2 vụ thu 76,8 tấn; tôm sú thả mật độ 10 - 13 con/m2, nuôi một vụ thu 13 tấn. Lúa thu 188 tấn. Tất cả đều có lời, cả năm lời khoảng 2,7 tỷ đồng. Chưa kể các loại cá nuôi xen trong ao và rau màu trồng trên bờ thu cũng khá.
6. Sóc Trăng: Tôm nhiễm bệnh đốm trắng tăng cao
Theo kết quả quan trắc của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng từ ngày 7 - 16/6, tỷ lệ mẫu giáp xác tự nhiên tại các nguồn cấp nước chủ yếu của các vùng nuôi dương tính với virus đốm trắng chiếm đến 70%, trong khi tỷ lệ này ở bệnh hoại tử gan tụy là 0%. Tại các cơ sở ương dưỡng tôm giống, cũng có tỷ lệ mẫu nhiễm vi rut đốm trắng 18,2% so 1% của bệnh hoại tử gan tụy.
Tại các vùng nuôi tôm nước lợ, cơ quan thú y cũng cảnh báo tình hình dịch bệnh này khi trong số gần 330 ha bị thiệt hại, có 70,7 ha do bệnh đốm trắng (chiếm 21,2%), 166,9 ha thiệt hại do bệnh hoại tử gan tụy (chiếm 50,6%) và số còn lại thiệt hại do yếu tố môi trường.
Với những kết quả trên, ngành thú y Sóc Trăng khuyến cáo người nuôi không nên lấy nước vào ao nuôi, nhất là ao đang có tôm và cần mở cống tại các kênh để cho nguồn nước được lưu thông. Khi mua giống, người nuôi cũng phải hết sức thận trọng, chọn nơi có uy tín và nhất thiết phải qua xét nghiệm PCR để tránh rủi ro thiệt hại. Đối với những vùng nuôi, người dân cần tăng cường quản lý các yếu tố môi trường ao nuôi; không nên thay nước trực tiếp từ bên ngoài, mà phải qua ao lắng, xử lý trước, kết hợp thả cá rô phi; con giống trước khi thả phải qua xét nghiệm PCR và thả nuôi với mật độ vừa phải để hạn chế dịch bệnh.