Theo thông tin được cung cấp tại cuộc họp, năm 2012, cả nước có 30 tỉnh/thành nuôi tôm nước lợ, đã thả nuôi 657.523 ha, đạt sản lượng 476.424 tấn. So với năm 2011 diện tích tăng 0,2%, sản lượng giảm 3,9%. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 619.355 ha, đạt sản lượng 298.607 tấn (giảm 7,1% diện tích, giảm 6,5% về sản lượng); tôm chân trắng là 38.169 ha đạt sản lượng 177.817 tấn (tăng 5.000 ha tương đương 15,5% về diện tích, 3,2% về sản lượng).
Năm 2012 nuôi tôm nước lợ gặp phải một số khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả nuôi tôm như: dịch bệnh xảy ra trầm trọng, trên diện rộng, thức ăn, vật tư đầu vào cho nuôi tôm đắt đỏ, giá mua tôm một số thời điểm thấp, rào cản thương mại về Ethoxyquin ở thị trường Nhật Bản. Năm 2012, cả nước có khoảng 100.776 ha diện tích tôm nước lợ bị thiệt hại do dịch bệnh (trong đó 91.174 ha nuôi tôm sú và 7.068 ha nuôi tôm thẻ), bao gồm hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS), đốm trắng, đầu vàng…gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến sản lượng, giá trị xuất khẩu.
Trước tình hình dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, kéo dài, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định việc tìm nguyên nhân gây bệnh và giải pháp phòng trị là nhiệm vụ cấp bách. Để xác định nguyên nhân, tác nhân gây bệnh, các nghiên cứu đã tập trung vào những vấn đề: Xây dựng định nghĩa bệnh, bản đồ dịch tễ, vai trò của các yếu tố vô sinh: nhiệt độ, độ mặn, Amonia tổng số, H2S, NH3, NO2, thuốc bảo vệ thực vật, vai trò của các yếu tố hữu sinh: tảo độc, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và bacteriophage, và liên quan của chế phẩm sinh học, thức ăn dùng trong nuôi tôm đến hội chứng hoại tử gan tụy ở tôm.
Hội chứng hoại tử gan tụy xảy ra ở cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng, chủ yếu ở các vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Xảy ra ở hầu hết các tháng trong năm, mức độ dịch bệnh trầm trọng nhất từ tháng 4 đến tháng 7, chiếm 75% tổng diện tích báo cáo bị bệnh trong cả năm. Các vùng nuôi có độ mặn thấp tỷ lệ mắc bệnh ít hơn so với vùng nuôi có độ mặn cao. Các tháng nhiệt độ thấp, mùa mưa tỷ lệ xuất hiện bệnh thấp hơn các tháng mùa khô, nhiệt độ cao. Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính gây chết tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở giai đoạn 15-40 ngày sau khi thả nuôi. Tôm ngừng ăn, bơi chậm, vỏ mỏng, màu tôm nhợt nhạt. Gan tụy có biểu hiện sưng, nhũn, teo.
Về nguyên nhân, tác nhân gây Hội chứng hoại tử gan tụy, kết quả nghiên cứu đã cho thấy: Phát hiện hội chứng hoại tử gan tuỵ đặc trưng ở ngay giai đoạn tôm giống, cùng hiện tượng tôm giống nhiễm vi khuẩn Vibrio với tỷ lệ khá cao, một số tôm giống đã có dấu hiệu bất thường ở gan tuỵ có thể giải thích tại sao tôm chết sớm trong ao nuôi, xuất hiện dịch bệnh hoại tử gan tuỵ ngay ở giai đoạn đầu của quá trình nuôi tôm.
Nhiều chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất giống, nuôi tôm, chất lượng không đảm bảo như đăng ký, cùng sự hiện diện trong một số loại chế phẩm sinh học một số vi khuẩn thuộc giống Vibrio với mật độ cao là đặc biệt nguy hiểm, không mang lại hiệu quả như mong muốn khi sử dụng chế phẩm sinh học, thậm chí còn lan truyền, phát tán vi khuẩn có hại trong môi trường nước nuôi tôm.
Sự khác biệt không rõ rệt các yếu tố thuỷ lý, thuỷ hoá cơ bản (nhiệt độ, độ mặn, Amonia tổng số, H2S, NH3, NO2), tảo độc và các loại thuốc bảo vệ thực vật giữa các ao nuôi tôm có hội chứng hoại tử gan tuỵ và ao nuôi tôm không bị bệnh, cộng với các thực nghiệm dùng thuốc bảo vệ thực vật gây bệnh trên tôm không có kết quả cho thấy các yếu tố môi trường, tảo độc và thuốc bảo vệ thực vật không phải là tác nhân trực tiếp gây hoại tử gan tuỵ cấp ở tôm.
Diễn biến dịch bệnh có khuynh hướng mùa vụ, sự khác biệt về tỷ lệ chết, khả năng phục hồi của tôm bệnh và kết quả khác nhau khi thực nghiệm lây nhiễm trong các điều kiện môi trường khác nhau cho thấy các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ mặn, hiện diện của thuốc bảo vệ thực vật tuy không đóng vai trò là tác nhân trực tiếp, nhưng đóng vai trò rất quan trọng ảnh hưởng đến bùng phát và mức độ trầm trọng của dịch bệnh.
Kết quả thử nghiệm gây nhiễm nhân tạo hội chứng hoại tử gan tuỵ cho thấy vi sinh vật có vai trò là tác nhân gây hội chứng hoại tử gan tuỵ ở tôm nuôi. Mặc dù phát hiện ký sinh trùng, vi khuẩn, virus, và bacteriophage từ các tôm bệnh, nhưng các kết quả nghiên cứu-đặc biệt các thí nghiệm cảm nhiễm bệnh cho thấy ký sinh trùng, virus không là tác nhân gây hội chứng hoại tử gan tuỵ ở tôm nuôi.
Sự hiện diện của vi khuẩn - đặc biệt 1 số loài thuộc giống Vibrio như V. parahaemolyticus, V. harveyi…chiếm thành phần chủ yếuở hầu hết các mẫu tôm giống, tôm nuôi thương phẩm có hội chứng hoại tử gan tuỵ, cùng với việc cảm nhiễm nhân tạo có kết quả khi dùng Vibrio là nguồn gây nhiễm cho thấy Vibrio có thể là tác nhân mang đến hội chứng hoại tử gan tuỵ ở tôm nuôi. Thực nghiệm khi chỉ dùng Vibrio làm nguồn gây nhiễm không luôn mang lại kết quả, cùng với phát hiện phage ở Vibrio và thực nghiệm lây nhiễm kết hợp Vibrio bổ sung phage có kết quả cho thấy có thể Vibrio cùng với phage là tác nhân trực tiếp gây hoại tử gan tuỵ ở tôm nuôi.
Với sự tổng hợp và phân tích nói trên, bước đầu đã xác định nguyên nhân gây tôm chết sớm, xuất hiện hội chứng hoại tử gan tuỵ ở tôm nuôi là: Tôm giống với chất lượng xấu (nhiễm Vibrio, có dấu hiệu bất thường gan tuỵ, thậm chí đã hoại tử gan tuỵ cấp), thả nuôi trong điều kiện môi trường bất lợi (hiện diện của thuốc bảo vệ thực vật, oxy hoà tan thấp, độ mặn cao, ô nhiễm hữu cơ…), hiện diện của vi khuẩn Vibrio và phage dẫn đến gây chết sớm và hội chứng hoại tử gan tuỵ ở tôm nuôi.
Từ đó Tổng cục Thủy sản đã đưa ra các giải pháp phòng ngừa bệnh tôm nuôi nước lợ cũng như các khuyến cáo đối với người dân như: Tẩy dọn ao nuôi triệt để, cần có ao lắng, ao xử lý nước riêng biệt, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong xử lý ao nuôi, diệt giáp xác; Tôm thẻ chân trắng mùa vụ nuôi ngắn, thích ứng tốt với điều kiện rộng muối, nên được khuyến khích nuôi ở các vùng nuôi thâm canh và bán thâm canh; Thả nuôi đúng mùa vụ, không thả nuôi mật độ cao, thả thưa; Chọn giống sạch bệnh, được kiểm dịch, không mang các tác nhân gây bệnh đốm trắng, đầu vàng, MBV, nhiễm khuẩn Vibrio; Thực hiện ương tôm Post thành tôm giống lớn trước khi thả nuôi ra ao nuôi thương phẩm (ương trong giai hoặc trong các thùng lót bạt 2-3 tuần); Luôn đảm bảo oxy hoà tan trong các tầng nước ao cao, duy trì độ mặn và nhiệt độ nước không quá cao; Các tháng có nhiệt độ cao (tháng 4-7) duy trì nước ao sâu; Định kỳ diệt khuẩn trong ao nuôi; Sử dụng chế phẩm sinh học có chất lượng; Sử dụng thức ăn thích hợp, không để dư thừa thức ăn trong ao nuôi tôm. Khuyến khích mô hình nuôi tôm có thả rô phi đơn tính để làm sạch môi trường; Các ao khi bị bệnh phải tẩy trùng triệt để, khoanh vùng, cách ly, không xả nước thải, tôm chết bừa bãi ra ngoài môi trường.
Đối với các cơ quan quản lý thủy sản cần: Tổng kiểm tra chất lượng các loại chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất tôm giống, nuôi tôm đang lưu hành trên thị trường, nghiêm cấm sản xuất kinh doanh các loại chế phẩm không đảm bảo chất lượng, thông tin rộng rãi chất lượng các chế phẩm đến cộng đồng sản xuất giống và nuôi tôm; Kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc chất lượng tôm giống, ngoài các tác nhân gây bệnh như: đốm trắng, đầu vàng, MBV…, cần thiết đưa Vibrio là đối tượng kiểm soát chất lượng tôm giống. Không cho lưu thông các tôm giống có mần bệnh; Rà soát điều kiện sản xuất các trại tôm giống từ chất lượng tôm bố mẹ, nguồn nước, sử dụng chế phẩm, chất tẩy trùng, quy trình quản lý trại giống…áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo tôm giống có chất lượng tốt, không nhiễm virus và vi khuẩn Vibrio; Việc nhập khẩu tôm bố mẹ, đặc biệt là tôm bố mẹ tôm thẻ chân trắng ngoài yêu cầu sạch bệnh, cần đánh giá xuất xứ chất lượng sản xuất đàn bố mẹ từ nơi cung cấp trước khi cho nhập khẩu; Thực hiện giám sát dịch bệnh chặt chẽ các vùng nuôi để có các biện pháp xử lý và ngăn chặn kịp thời.