Đến tham dự buổi nghiệm thu đề tài có ông Phạm Hoàng Minh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Chủ tịch Hội đồng; ông Nguyễn Hoàng Xuân – Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu, Chủ nhiệm đề tài và các đại biểu đại diện một số cơ quan cấp tỉnh.
Theo đó, đề tài trên được Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bac Liêu thực hiện từ tháng 12/2012 đến 07/2013 với kinh phí thực hiện là 56.516.000 đồng (trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học 40.843.000 đồng). Để thực hiện đề tài này nhóm nghiên cứu của Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã tổ chức điều tra, phỏng vấn người dân trực tiếp nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) kết hợp thường xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất từ tháng 2 đến tháng 5 tại 03 xã Phong Thạnh, Phong Thạnh A và Phong Thạnh Tây. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành xây dựng mô hình trình diễn với diện tích 2 ha tại xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai.
Tại mô hình trình diễn, nhóm nghiên cứu hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật một cách bày bản, khoa học: Hướng dẫn nông dân thực hiện các khâu cải tạo, chuẩn bị ao gièo, chọn và thả giống, chăm sóc quản lý tôm nuôi theo đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn. Sau 06 tháng thực hiện, mô hình trình diễn đạt kết quả rất khả quan, tổng thu 75.850.000 đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận 42.430.000 đồng.
Để nuôi tôm QCCT kết hợp trong thời gian tới đạt hiệu quả, hạn chế rủi ro trong những thời điểm thiếu nước sản xuất. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất nhiều giải pháp như sau: Rà soát các tuyến kênh bị bồi lắng để có kế hoạch nạo vét, đảm bảo người dân chủ động cấp nước phục vụ sản xuất; Xây dựng lịch điều tiết nước giữa các cống đầu mối cho phù hợp nhằm hạn chế thiệt hại tôm nuôi do thiếu nước xảy ra trong vụ chính; Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dần dần bỏ lối sản xuất theo kiểu truyền thống trước đây; Sớm quy hoạch vùng mặn, ngọt hợp lý trong sản xuất vùng Bắc Quốc lộ 1A nói chung và huyện Giá Rai nói riêng; Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ một phần với nông dân trong việc nâng cấp đê bao bằng cơ giới và các ngành, các cấp tăng cường công tác kiểm tra chất lượng giống đầu vào.
Kết thúc buổi nghiệm thu đề tài, ông Phạm Hoàng Minh đánh giá rất cao những kết quả nghiên cứu của nhóm thực hiện đề tài. Đây là cơ sở khoa học để xây dựng các giải pháp nhằm khắc phục rủi ro trong nuôi tôm trong điều kiện cấp nước không chủ động tại huyện Giá Rai nói riêng và cả vùng Bắc Quốc lộ 1A nói chung; từ đó giúp nông dân sản xuất hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển ổn định.