Tình hình chung 2019
9T2020, giá trị tôm xuất khẩu (XK) VN tăng trưởng khả quan 10% so với cùng kỳ (CK). Động lực tăng trưởng chính đến từ thị trường Mỹ khi giá trị nhập khẩu tôm VN vào thị trường này tăng 36,6% trong 8T2020. Theo đó, thị trường Mỹ vượt EU trở thành khách hàng nhập khẩu tôm lớn nhất của VN.
XK tôm sang EU chỉ tăng nhẹ 1,6% CK trong 9T2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ1/8/2020 được kỳ vọng sẽ giúp giá trị XK tôm VN vào thị trường EU tăng trưởng mạnh hơn khi thuế nhập khẩu tôm đông lạnh VN vào khu vực này giảm từ 4,2% xuống 0%, trong khi các đối thủ cạnh tranh vẫn chịu mức thuế trên 7%.
Năm 2019, thị trường xuất khẩu tôm thế giới có giá trị 22,3 tỷ USD với tổng khối lượng là 2,8 triệu tấn. Trong đó sản phẩm tôm xuất khẩu chủ yếu là tôm đông lạnh (ĐL), chiếm 79% về giá trị và 82% về khối lượng. Mỹ, EU(28), Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Hồng Kông là những quốc gia nhập khẩu tôm lớn nhất toàn cầu, chiếm 81% tổng giá trị nhập khẩu tôm thế giới.
Tôm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường tôm chế biến
Trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 346 nghìn tấn tôm, đạt giá trị 3,2 tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới về tổng giá trị xuất khẩu, tương đương 15% tổng thị phần. Đối với mảng tôm đông lạnh, Việt Nam cạnh tranh với 2 đối thủ lớn là Ấn độ và Ecuador (trên 95% giá trị xuất xuất tôm của các quốc gia này tập trung vào mảng tôm đông lạnh).
Riêng phân khúc tôm chế biến (CB), Việt Nam là quốc gia đứng đầu, chiếm 28% tổng giá trị xuất khẩu thế giới. 2019, giá trị xuất khẩu tôm chế biến của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tương đương 40% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Do giá tôm chế biến cao hơn tôm đông lạnh khoảng 21% - 39% nên giá xuất khẩu trung bình tôm Việt Nam cao hơn của các quốc gia khác.
Kỳ vọng thị trường Châu Âu sau EVFTA
EU-28 là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 thế giới năm 2019 với giá trị 4,4 tỷ USD, tương đương 19,8% tổng thị phần toàn cầu. Trong cùng năm, EU-28 là thị trường lớn nhất của ngành tôm xuất khẩu Việt Nam với kim ngạch 648 triệu USD, tương đương 21,1% tổng kim ngạch và 20,7% về khối lượng xuất khẩu tôm Việt Nam. Giá trị xuất khẩu tôm đông lạnh đạt 377 triệu USD, ~ 55% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường EU và chiếm 9,8% thị phần tôm đông lạnh nhập khẩu của khối EU-28.
Theo Hiệp định EVFTA, thuế nhập khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam vào EU giảm ngay từ mức 4,2% về 0% từ 1/8/2020 và thuế nhập khẩu tôm chế biến giảm dần từ 7% về 0% trong 7 năm tiếp theo. Trong khi đó, thuế nhập khẩu của các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan vẫn duy trì ở mức từ 4% đến 20% tùy quốc gia. Với mức thuế nhập khẩu giảm, thị phần tôm đông lạnh của Việt Nam được kỳ vọng sẽ gia tăng ngay trong thời gian tới với khả năng cạnh tranh giá bán tốt hơn.
Tăng mạnh nhờ thị trường Mỹ và Trung Quốc
Kim ngạch xuất khẩu tôm trong 8T2020 của Việt Nam đạt 2,26 tỷ USD, tăng trưởng 11,2% nhờ khối lượng tăng 6,6% và giá xuất khẩu trung bình tăng 4,5%. Mỹ đóng vai trò chủ đạo trong sự tăng trưởng xuất khẩu tôm 8T2020 khi khối lượng nhập khẩu từ Việt Nam tăng 36,2% so với cùng kỳ. Tổng giá trị nhập khẩu tôm Việt Nam của Mỹ đạt 554,8 triệu USD, trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong 8T2020. Sự tăng trưởng của thị trường Mỹ đóng góp 66% vào tổng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt trong giai đoạn này.
Tôm thẻ chân trắng lên ngôi, tôm su gặp khó
8T2020, đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới dẫn đến hàng loạt quốc gia thực thi lệnh cách li kéo dài dẫn đến hoạt động của lĩnh vực khách sạn, nhà hàng toàn cầu bị đình trệ. Hệ quả của vấn đề này là việc tiêu thụ các loại tôm cỡ lớn có giá trị cao như tôm sú, tôm hùm sụt giảm mạnh. Ngược lại, do thu nhập bị ảnh hưởng, số lượng các bữa cơm gia đình tăng cũng như nhu cầu của thực phẩm ăn liền, đồ ăn nhanh như pizza tăng lên, nhu cầu về các loại tôm cỡ nhỏ hơn, rẻ hơn (tôm thẻ chân trắng) lại cải thiện một cách mạnh mẽ. Kết quả, kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ chân trắng của Việt Nam 8T2020 tăng 14,3% lên 1,6 tỷ USD nhờ khối lượng tăng 9,5% cùng kỳ. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu tôm sú giảm 16,5% so với cùng kỳ xuống 356 triệu USD do khối lượng giảm 15,4% cùng kỳ. Do nhu cầu thế giới và cơ cấu xuất khẩu thay đổi, sản lượng sản xuất tôm sú trong nước cũng giảm 1,9% trong khi đó sản lượng sản xuất tôm thẻ tăng 13,2% so với cùng kỳ.