Mô hình bền vững, thu lãi cao
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, việc nuôi xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa được xem là mô hình kinh tế hiệu quả, ổn định và bền vững, chưa kể đây cũng là một mô hình nuôi trồng thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Tại tỉnh Cà Mau những năm qua, mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa ở huyện Thới Bình đã khẳng định tính hiệu quả từ năng suất, chất lượng cho đến giá trị của con tôm. Với nhiều tính ưu việt đó, mô hình đã phát triển thêm diện tích ở một số huyện khác như: U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước.
Theo Phòng NNPTNT huyện Thới Bình, mô hình đã thích ứng rất tốt với điều kiện tự nhiên, rủi ro dịch bệnh thấp, hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, tạo ra sản phẩm sạch và tăng thu nhập trên cùng một diện tích cho bà con trồng lúa. Những năm qua, năng suất bình quân con tôm luôn đạt từ 150-220 kg/ha.
Theo nhiều nông dân áp dụng mô hình, sau khi trừ hết chi phí, bà con thu lãi từ 20-30 triệu đồng/ha, thậm chí có hộ đạt gần 50 triệu đồng/ha/vụ tiền lãi với loại tôm càng xanh toàn đực.
Lo ngại vấn đề đầu ra
Với hiệu quả kinh tế cao, người dân tại các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước bắt đầu phát triển ồ ạt diện tích nuôi tôm càng xanh. Tuy nhiên, điều đáng lo hiện nay là đầu ra ổn định cho con tôm vẫn chưa có lời giải.
Theo khảo sát của phóng viên, dù chưa bước vào vụ thu hoạch đồng loạt nhưng giá tôm càng xanh hiện chỉ từ 100.000-110.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân vẫn có lợi nhuận, tuy nhiên nhiều người lo ngại khi bước vào chính vụ thu hoạch, giá sẽ giảm mạnh.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Lê (xã Tân Bằng, huyện Thới Bình), cho biết: Gia đình tôi thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa từ cách đây khoảng 6 năm. Bình quân mỗi năm với 1ha diện tích, gia đình có thu nhập tăng thêm từ con tôm càng khoảng 20 triệu đồng.
Cũng theo ông Lê, trong vụ tôm – lúa năm nay, người dân địa phương mở rộng diện tích nuôi và thả nuôi mới tôm càng xanh nhiều hơn mọi năm. Điều này khiến nhiều người lo ngại thương lái sẽ ép giá khi vào vụ thu hoạch đồng loạt. Bởi như vụ tôm năm 2016, khi người dân bước vào vụ thu hoạch rộ, giá tôm bất ngờ sụt giảm từ 20.000-50.000 đồng/kg so với năm trước.
Ông Kiều Văn Chiến - Chi Hội trưởng Chi hội Thuỷ sản ấp Lê Hoàng Thá (xã Tân Bằng), cho biết: Từ trước đến nay, nông dân nơi đây luôn mua bán trực tiếp với thương lái, ai mua giá cao thì nông dân bán, chứ chưa thông qua một hình thức bao tiêu đầu ra hay thông qua một tổ hợp tác nào cả. Chính vì vậy, giá cả đều do thương lái quyết định. Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi đã chọn giải pháp mang tôm trực tiếp ra các chợ bán lẻ để có giá thành cao hơn.
Từ thực tế trên, UBND huyện Thới Bình khuyến cáo người dân, giải pháp tạm thời hiện nay là không thu hoạch ồ ạt cùng cao điểm mà thu hoạch lúa trước, tôm thu hoạch sau, tốt nhất là qua cao điểm dịp Tết Nguyên đán nhằm để tôm lớn hơn và bán được giá hơn. Điều này vừa giải quyết tình trạng sản lượng tôm tăng ồ ạt gây mất giá, vừa tăng lợi nhuận cho bà con.
Về lâu dài, huyện sẽ liên kết với trường Đại học Cần Thơ tìm đầu ra cho tôm càng xanh. Đồng thời, địa phương sẽ gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp, hợp tác xã có điều kiện để làm đầu mối trung gian thu gom tôm của bà con.
Được biết, trong vụ thả nuôi năm nay, địa phương cùng với Trường Đại học Cần Thơ phối hợp tổ chức thực hiện thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa với hình thức cho ăn dặm. Với quy mô 12ha cho 12 hộ dân ở ấp 3 và ấp 9 xã Thới Bình, mỗi hộ tham gia được Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ 100% con giống, 50% chi phí cải tạo ao đầm và thức ăn cho tôm.
Bên cạnh đó, huyện Thới Bình còn được hỗ trợ từ dự án “Tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa” với quy mô 270ha trải đều ở các xã và thị trấn từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới vào đầu năm 2017.