Gần 1 tháng qua, hàng trăm hộ nuôi tôm ở các xã Quảng An, Quảng Công, thị trấn Sịa,... (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bất lực trước tình trạng tôm chết hàng loạt.
Nhiều người định bỏ nghề
Ông Hoàng Đức Xuân (thôn An Xuân, xã Quảng An) cho biết vụ này, gia đình ông thả hơn 200.00 con tôm giống nuôi xen với cua trong diện tích 1 ha. Nuôi được 1 tháng, tôm chết sạch, cua ăn xác tôm cũng chết theo, thiệt hại hơn 40 triệu đồng.
Ông Nguyễn Giáp (thôn An Xuân) thiệt hại cả trăm triệu đồng do mất trắng vụ tôm này. Theo ông Giáp, gia đình ông đầu tư 1 triệu con tôm giống nuôi trong 4 hồ với tổng diện tích 10 ha. Nuôi được hơn 2 tháng, mưa xuống vài ngày thì tôm chết trắng cả hồ. “Nếu vụ này tôm không chết, gia đình tôi thu hoạch khoảng 2 tấn” - ông Giáp ngậm ngùi.
Theo thống kê, toàn xã Quảng An có 21 ao với 10,55 ha tôm bị bệnh đốm trắng chết sạch, trên 11 ha tôm chết rải rác. Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Quảng An, cho rằng từ sau đợt mưa giông ngày 17-4 đến nay, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp. Theo kết quả xét nghiệm, tôm chết do bị bệnh đốm trắng. Ngay sau khi xuất hiện dịch, các hộ nuôi đã được hỗ trợ 50% chi phí mua chlorine phòng trừ bệnh cho tôm. Ngoài xã Quảng An, nhiều hộ nuôi tôm ở thị trấn Sịa cũng trắng tay do tôm chết. Ông Phan Văn Chậm (thị trấn Sịa) cho biết thả giống được nửa tháng, tôm chết hơn 90%, sau đó cua chết theo. “Gia đình tôi lấy nước ngoài phá Tam Giang đưa vào ao nuôi mà tôm vẫn chết. Nhiều người định bỏ nghề do không còn vốn nuôi tiếp” - ông Chậm nói.
Nguồn bệnh tiềm ẩn từ lâu
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Quảng Điền, khoảng 120 ha tôm nuôi ở đây bị bệnh chết. Bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó Phòng NN-PTNT huyện Quảng Điền, cho biết nguyên nhân tôm chết chủ yếu là do bệnh đốm trắng tiềm ẩn trong môi trường nuôi từ những vụ trước. Khi nắng nóng kéo dài, tảo phát triển nhanh ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của tôm. Ngoài ra, con giống thả nuôi có chất lượng kém, đa số nhiễm bệnh còi (MBV) nên tôm chậm lớn, kém thích ứng với môi trường dẫn đến dịch bệnh.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng trước tình trạng dịch bệnh ở tôm nuôi trên địa bàn có nguy cơ lan rộng, sở đã kiểm tra, lấy mẫu tại nhiều ao nuôi, đồng thời quan trắc môi trường thủy sản tại 15 điểm trên đầm phá và ven biển để kịp thời cảnh báo người nuôi. “Sau khi đề nghị, tỉnh vừa được Bộ NN-PTNT cấp hỗ trợ 20 tấn chlorine từ nguồn dự trữ quốc gia. Trước mắt, đã phân bổ khoảng 15 tấn cho các địa phương để xử lý hồ nuôi có dịch bệnh” - ông Hùng nói.