Không vừa lòng nhau, những đứa cháu đã bít đường nước khiến gần 10 ha đất nuôi tôm của các cô, chú nằm ở phía trong khô cạn. Điều đáng nói là địa phương quá chậm hòa giải, tháo gỡ các vướng mắc khiến cho vụ việc cứ kéo dài, làm khổ những hộ liên quan.
Thiệt hại cả trăm triệu
Ngày 2-6, có mặt tại thửa đất nuôi tôm, chúng tôi thấy đất đai nứt nẻ, vuông tôm trơ đáy. Dù đã có nhiều cơn mưa đổ xuống nhưng tình hình cũng không cải thiện là bao.
Anh Lý Danh Dự, đại diện cho một trong bảy hộ dân có đất khu vực này, đi gom lại cho chúng tôi xem xác cua, tôm đã chết từ lâu. Anh chỉ đi vài bước là lượm được đầy hai bụm tay. Anh kể: “Cách đây một năm rưỡi, những đứa cháu của tôi ở phần đất gần sông đã bế tất cả các đường nước. Từ đó đến nay, chúng tôi chỉ nhờ nước trời nhưng thả bao nhiêu tôm, cua đều chết sạch vì nước mưa đâu có được bao nhiêu. Tính ra tôi bị thiệt hại hơn 100 triệu đồng”.
Các nạn nhân khác cũng cho biết đã bị thiệt hại tương tự.
Nói chuyện với chúng tôi, anh Hải (một trong những người đã bế đường nước) nói rằng ông nội đã cho phần đất này (nằm bên ngoài những lô đất của các cô, chú) nên anh toàn quyền quyết định. Do người chú thứ bảy từng hành hung anh nên anh ghét, anh không cho nước chảy qua đất mình nữa. Các cô có phần đất phía trong cũng đứng về phe chú bảy, gửi đơn thưa các anh em của anh nên anh càng bực, càng không muốn cho...
Các vuông tôm khô nứt nẻ (ảnh trên), ông Dự đi vài bước là lượm được xác cua chết do khát nước (ảnh dưới). Ảnh: TV
Địa phương thiếu quyết liệt
Anh Dự thông tin những hộ dân không có nước cho vuông tôm, bị thiệt hại nặng nề đã kêu cứu đến chính quyền ấp, xã nhờ can thiệp nhưng địa phương lơ là, không nhiệt tình xử lý. Hồi đầu năm, xã có đưa việc ra hòa giải nhưng cũng chỉ mới ghi nhận tình hình rồi đường ai nấy về, không có một kết quả gì.
“Người dân bị thiệt hại về vật chất, sứt mẻ về tình cảm, lâu nay không thể tự mình xử lý được nên mới nhờ địa phương can thiệp, giúp đỡ. Lý ra địa phương phải nhiệt tình, quyết liệt hỗ trợ. Đằng này tôi thấy xã cũng không có động viên, vận động vì. Xã cũng không hướng dẫn là có được kiện ra tòa hay không. Khi tôi thắc mắc thì có anh cán bộ nói kiện chắc tòa cũng không thụ lý. Nếu như vậy thì xã càng phải tận tâm giúp đỡ chúng tôi chứ…” - một người dân bộc bạch.
Một người khác cho biết thêm địa phương có tắc trách nữa là không báo cáo về các cơ quan liên quan để họ hỗ trợ, gỡ vướng cho người dân. Khi người dân và phóng viên liên hệ các cơ quan như Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận, Hội Nông dân TP Cà Mau để hỏi về sự việc thì các nơi này đều không hay biết vì không nghe ai báo cáo, thông tin...
Pháp Luật TP.HCM đã đặt những vấn đề này ra với địa phương thì nơi đây nhìn nhận có biết sự việc nhưng cho rằng đây là chuyện nội bộ của gia đình thì gia đình xử lý trước (!?). Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã An Xuyên, nói: “Đây là sự vụ tranh chấp trong nội bộ thân tộc nên chúng tôi có ý để giải quyết hòa giải trong thân tộc, đưa ra ngoài, nhiều người biết cũng đâu có tốt”.
Chúng tôi không đồng tình với cách trả lời này, cho rằng đây là sơ sót của địa phương nhưng ông Hùng không có nhìn nhận gì.
Đã từng hòa giải được
Chúng tôi sẽ đề nghị xã báo cáo ngay sự vụ. Tại địa bàn TP Cà Mau từng xảy ra một vụ tương tự. Sau khi địa phương báo lên, chúng tôi đã tham gia hỗ trợ và xử lý thành công để người dân ở phía trong ruộng có nước sản xuất.Ông LÊ PHƯƠNG ĐÔNG, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Cà Mau