Tôm giống Bình Thuận được nuôi ở Vĩnh Tân được xem là có chất lượng và cung cấp cho thị trường cả nước, thời điểm ấy chiếm khoảng 60 – 70%. Vùng biển Vĩnh Tân có độ mặn ổn định quanh năm, không có nước ngọt từ sông ngòi đổ ra biển nên giàu hàm lượng khoáng, các yếu tố lý hóa rất hợp với nuôi tôm giống. Đặc biệt, khu vực này có vực sâu, nhiều rạn san hô có tác dụng lọc nước biển mà ít nơi nào trong cả nước có được. Chính những yếu tố này mà tôm giống Bình Thuận có uy tín và thị trường tiêu thụ lan rộng khắp các tỉnh, thành từ Nam đến Bắc. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của 10 năm trước. Giờ đây, khi hỏi chủ các cơ sở nuôi tôm giống lớn ở vùng này, họ đều lắc đầu ngao ngán khi thị trường tiêu thụ chậm và tình hình sản xuất tôm giống gặp rất nhiều khó khăn. Môi trường nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất tôm giống của nhiều cơ sở khi nước biển ven bờ khu vực xã Vĩnh Tân thường xuyên bị đục, bùn xuất hiện nhiều trong các ao lắng khi các cơ sở lấy nước phục vụ sản xuất, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của tôm bố mẹ và sự phát triển của các giai đoạn ấu trùng tôm.
Có lẽ vì thế, chất lượng con giống suy giảm, dẫn đến người nuôi tôm thương phẩm phải đối đầu với thất bại từ vụ này sang vụ khác. Những năm gần đây, con tôm thẻ chân trắng không còn giúp người dân nơi đây đổi đời nữa mà khiến họ lao đao, mất mùa. Giá tôm thương phẩm giảm kỷ lục trong khi giá vật tư đầu vào tăng cao, con giống không còn chất lượng, môi trường nuôi lại ô nhiễm nên người nuôi rất dè chừng, khiến diện tích thả nuôi thu hẹp dần. Một số hộ khác đã chuyển đổi từ nuôi tôm sang nuôi ốc hương, cá chẽm. Tuy nhiên, việc nuôi ốc hương thương phẩm sử dụng thức ăn tạp, nếu không thực hiện tốt biện pháp bảo vệ môi trường sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm cho các cơ sở sản xuất tôm giống lân cận. Mặc dù các cơ sở nuôi trồng thủy sản ven biển ở Tuy Phong rất chú trọng việc trang bị cơ sở vật chất, trang bị hệ thống ao lắng, bể nuôi, bể xử lý nước thải, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quá trình nuôi… Tuy nhiên, chỉ vài cơ sở không chấp hành tốt các quy định về điều kiện sản xuất, quy trình kỹ thuật sơ sài, nước thải sản xuất thì thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước các cơ sở còn lại.
Để hạn chế ô nhiễm từ nguồn nước ven bờ, có cơ sở nuôi tôm giống ở Vĩnh Tân phải sắm tàu riêng để chở nước cách bờ vài chục hải lý, mong có được nguồn nước biển sạch nuôi tôm chất lượng hơn. Để giữ vững thương hiệu tôm giống Bình Thuận, nhiều đơn vị đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, ngành chức năng còn tăng cường kiểm tra chất lượng giống thủy sản, đặc biệt là tôm bố mẹ nhập khẩu. Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi trồng thủy sản cần nâng cao ý thức, không xả thải trực tiếp ra môi trường biển, xây dựng hệ thống ao lắng, xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Ngoài ra, sớm đưa vào hoạt động khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công gắn với ứng dụng công nghệ cao. Có như vậy, tôm giống Bình Thuận mới tiếp tục khẳng định thương hiệu, uy tín trên thị trường cả nước và tôm thương phẩm sẽ trở về thời hoàng kim khi giúp nông dân phất lên làm giàu chính đáng.