TX.Sông Cầu lâu nay được xem là thủ phủ tôm hùm của Phú Yên. Những ngày này đang vào mùa thu hoạch tôm hùm nhưng khác với mọi năm, ở đây khá yên ắng. Nguyên nhân là bởi hầu hết tôm hùm xuất khẩu sang Trung Quốc nên khi dịch bệnh do vi rút Corona chủng mới (nCoV) gây ra thì mặt hàng này cũng “đứng bánh”.
Chờ hoài không có người mua
Hiện TX.Sông Cầu có khoảng 70.000 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, trong đó gần 10.000 lồng nuôi tôm đã đến thời kỳ xuất bán nhưng do không có thương lái đến mua nên người nuôi tôm rất lo lắng. Ông Lê Thanh Phong (P.Xuân Yên) đang có lứa tôm hùm vào kỳ thu hoạch, chờ tư thương đến mua nhưng mãi chẳng thấy khiến ông như ngồi trên đống lửa. Ông Phong than: “Trước Tết Nguyên đán, tôm hùm được giá nên gia đình tôi đã xuất bán khoảng 1.000 con. Hiện nay giá tôm hùm thấp hơn trước tết khoảng 200.000 - 300.000 đồng/kg nhưng vẫn chẳng có ai mua. Hiện tôi còn khoảng 3.000 con tôm hùm thịt đã đủ tuổi mà không bán được, trong khi mỗi ngày vẫn phải chi phí khoảng 3 triệu đồng mua thức ăn cho tôm”.
Vùng nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài, TX.Sông Cầu. Ảnh: Đức Huy
Theo ông Lê Hữu Nam, Phó chủ tịch UBND P.Xuân Yên, cả phường có gần 390 hộ nuôi tôm hùm với số lượng khoảng 9.500 lồng. Đến thời điểm này, tôm hùm đã vào kỳ thu hoạch khoảng 1/4 tổng lượng tôm nuôi trên địa bàn (khoảng 200.000 con). Ông Nam cho biết: “Hiện nay, việc xuất bán tôm của người nuôi trên địa bàn phường gặp khó khăn bởi không có thương lái đến mua. Trước Tết Nguyên đán, người dân xuất bán nhưng chỉ bán cầm chừng, vì theo dự báo sau tết giá tôm hùm sẽ tăng. Không ngờ sau tết lại xuất hiện dịch nCoV nên giá tôm hùm bông hiện chỉ còn khoảng 1,3 - 1,4 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh khoảng 600.000 đồng/kg mà không xuất bán được vì không có thương lái mua”.
Nuôi cầm chừng chờ qua dịch
Xuất bán không được nên nhiều người dân đành chấp nhận tiếp tục nuôi đàn tôm quá lứa, chi phí cao mà hiệu quả thấp. Ông Lê Văn Ngọc (xã Xuân Phương) than thở: “Để kéo dài thời gian, nhiều người ở đây đã bớt khẩu phần ăn của tôm lại còn khoảng 40 - 60% so với trước và nuôi thêm hàu để cho tôm ăn nhằm giảm chi phí. Nếu tình trạng không có thương lái mua tôm kéo dài thì người nuôi tôm hùm thật sự gặp khó khăn bởi chi phí nuôi ngày càng tăng thêm”.
Ông Lê Thanh Phong cũng cho biết hầu hết người nuôi tôm hùm ở TX.Sông Cầu đang tìm mọi cách cho tôm ăn cầm chừng nhằm kéo dài thời gian và giảm chi phí đến mức thấp nhất, chờ qua dịch nCoV.
Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó trưởng phòng Kinh tế TX.Sông Cầu, khuyến cáo đối với lượng tôm còn tồn, chưa xuất bán được, trước mắt người nuôi cần tập trung các biện pháp để nuôi lưu giữ, tiếp tục chăm sóc tốt và bên cạnh đó cần theo dõi sát tình hình thị trường để xuất bán vào thời điểm thích hợp. Trong quá trình nuôi, cần lưu ý thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý và áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học.
“Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi tôm hùm, địa phương kiến nghị tỉnh có chỉ đạo và định hướng cụ thể, đồng thời các doanh nghiệp thu mua cần xúc tiến việc tìm kiếm thêm một số thị trường khác và thị trường nội địa nhằm giúp tiêu thụ sản phẩm của ngư dân”, ông Hải Anh nói.