Trong ngày 24 và 25.10, tại Phú Yên có mưa lớn, khiến nhiều lồng bè nuôi tôm hùm và cá của 22 hộ dân ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, Phú Yên chết nhanh.
Ông Bùi Văn Khánh, trú Phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu bần thần bên bè tôm hùm còn trơ đáy. Gần 100 con tôm hùm bông có giá trên 1,4 triệu đồng/kg còn lại của ông Khánh chưa kịp xuất bán trong hai ngày qua đã chết sạch. “Thiệt hại ghê lắm, có người tôm chết cả 5 đến 7 tạ. Đang mừng vì dịch dã có được ít tôm gỡ lại giờ thì phải bán rẻ"- ông Khánh chia sẻ.
Bà Lê Thị Thoa người nuôi tôm ở Phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu cũng chung cảnh ngộ. "Hai hôm nay tôm bà con ở đây chết quá nhiều. Nước ngọt đổ về nhanh, nhà tôi phải kéo lồng nuôi đi nơi khác, đến chỗ nước trong hơn. Nhưng do lồng bè nhiều quá nên di dời cũng khó khăn tôm chết không kịp cứu"- Bà Thoa cho biết.
Nông dân phải bán tháo tôm hùm chết với giá rẻ, gây thiệt hại nặng về kinh tế cho hộ nuôi. Ảnh: Phương Uyên
Theo ông Lâm Duy Dũng- Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sông Cầu, khoảng 8.400 con tôm hùm và 12 tạ cá của 22 hộ dân khu phố Phước Lý phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu bị chết, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Nguyên nhân tôm hùm và cá chết được ngành thú y địa phương xác định là do mưa lớn nhưng không có gió, kết hợp thủy triều kém nên xảy ra hiện tượng phân tầng nước, gây ra thiếu oxy cục bộ dẫn đến tôm và cá chết nhanh.
Ông Nguyễn Hữu Đại- Phó Trạm Thú y thị xã Sông Cầu cho rằng: Mưa lớn kết hợp nước ngọt từ các sông đổ ra vùng nuôi gây ra hiện tượng tôm sốc nước ngọt chết. Hiện tượng này các năm trước đã xảy ra. Hiện trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông của thị xã Sông Cầu có hơn 82.696 lồng/2018 bè thủy sản. Số lồng đủ tuổi thu hoạch vẫn còn khá lớn.
Có một thực tế đáng lo ngại tại thủ phủ tôm hùm của miền Trung là mật độ lồng bè thả nuôi quá dày. Việc đảm bảo an toàn cho vùng nuôi nhất là trong mùa mưa lũ hiện tại đòi hỏi người nuôi phải theo dõi chặt chẽ khuyến cáo cơ quan chức năng để hạn chế thấp nhất thiệt hại