Giá tôm tụt dốc
Đến các vùng biển nuôi tôm hùm tại Nam Trung bộ những ngày này, đến đâu cũng thấy người nuôi tôm kêu trời vì tôm rớt giá. Theo ghi nhận, giá thu mua tôm hùm tại hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ. Năm ngoái, vào thời điểm đầu năm, người nuôi phấn chấn khi giá tôm giữ khoảng 1,5-1,7 triệu đồng/kg. Vào đầu năm nay cũng vậy, giá tôm đạt 1,7-1,8 triệu/kg, nhưng bước sang tháng 3, giá tôm tụt dốc không phanh chỉ còn dưới 1 triệu đồng/kg. Với giá này, người nuôi tôm không có lãi, thậm chí lỗ, bù công. Ông Nguyễn Đình Lân, chủ một bè tôm với gần 100 lồng tôm ở xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) cho biết: “Hiện đang là thời gian chính vụ thu hoạch tôm hùm nên người nuôi bị chủ nậu ép giá mỗi ký còn dưới 1 triệu đồng, nhưng khi bán được rồi muốn lấy tiền cũng khó. Hỏi chủ nậu thì họ bảo, muốn lấy tiền ngay phải giảm giá bán, vì bản thân họ cũng bị các chủ thu mua ở Trung Quốc ép. Vậy nên, khi mua tôm, họ chê to, nhỏ, tôm xấu, tôm đẹp đủ kiểu để hạ giá thành thu mua”.
Tôm hùm thương phẩm có giá trị rất cao, là thế mạnh của người nuôi trồng các tỉnh Nam Trung bộ. Trên thực tế, ngày tôm hùm “bén duyên” trên vùng biển này, có không ít người khá lên nhờ tôm. Nhiều “làng tỷ phú” cũng có tên gọi từ đây. Thế nhưng, trong khoảng 8-10 năm trở lại đây, khi tôm hùm được nuôi ồ ạt đã xuất hiện nhiều hệ lụy, trong đó có dịch bệnh hoành hành và tôm bị ép giá. Anh Nguyễn Ngọc Huy, một chủ tôm cũng là người thu mua tôm xuất đi Trung Quốc ở đảo Bình Ba (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) cho biết, do chỉ một đầu ra xuất khẩu nên giá tôm giảm mạnh từ đầu tháng 3 cho tới nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. “Cứ tưởng, theo quy luật tiêu dùng, sang tháng 5 tôm ổn định giá trở lại, nào ngờ vẫn giảm. Chỉ 3 tháng đầu năm, giá tôm đã giảm 30%; một tháng qua, tôm không giảm giá ồ ạt nhưng vẫn giảm đều đều khiến nhiều người nuôi bán tháo, thậm chí “cắt ruột” bán cả tôm đang thời điểm sinh trưởng mạnh”, anh Huy cho biết thêm.
Cẩn trọng xuất khẩu tiểu ngạch
Tôm hùm là loại thủy sản có giá trị rất cao, nhưng do thị trường Trung Quốc “độc tôn” nhập khẩu loại tôm này khiến rủi ro rất lớn. Theo thống kê, tại Khánh Hòa hiện có 19.000 lồng tôm hùm thương phẩm, sản lượng trên 900 tấn, tập trung chủ yếu ở Vạn Ninh và TP Cam Ranh. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, nhưng đáng lo là có hơn 80% tôm tại Khánh Hòa xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch qua đây. Ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, cho biết, tôm hùm ở Khánh Hòa, Phú Yên rớt giá do phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Điển hình vào năm 2012, nghề nuôi tôm lại lỗ nặng khi rớt giá gần 3 lần từ 2,4 triệu đồng còn 800.0000 đồng/kg vì thị trường Trung Quốc ép giá. “Việc xuất khẩu tiểu ngạch sẽ không thu được thuế, nhưng nghiêm trọng hơn cũng không kiểm soát được tình hình, thụ động khi xảy ra biến cố và hậu quả là người nuôi gánh chịu”, ông Lăng nhấn mạnh.
Vài năm qua, nhiều thương lái Trung Quốc đã nắm đầu cán việc xuất khẩu tôm hùm. Lúc mới vào thị trường Việt Nam, họ rất hào phóng trong việc đưa ra giá mua, cũng như dễ dàng thẩm định sản phẩm. Dần về sau, khi nắm được thị trường, nắm từng chủ vựa thì lập tức gây khó dễ, thậm chí “lật kèo”. Có không ít doanh nghiệp ăn “trái đắng” khi hợp tác với thương lái Trung Quốc. Bà Trần Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết, Chi cục đã nhiều lần đề xuất, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chính ngạch, đứng ra liên kết với người nuôi, thu mua tôm trực tiếp để ổn định giá cả. Tuy nhiên, lời kêu gọi này vẫn chưa thực sự hiệu quả vì các doanh nghiệp còn chủ quan, chưa vì lợi ích chung và để tạo nên sự bền vững.