Không cho đất nghỉ
HTX NN Thành Công (xã Quảng Công), hàng năm sản xuất chừng 100 ha lúa. Đầu vụ đông xuân và hè thu, do thiếu nước ngọt nên bình quân có khoảng 15-20 ha bị nước mặn xâm thực, trong đó nhiều diện tích gần như mất trắng. Tuy nhiên, từ khi HTX đưa mô hình nuôi tôm rảo vào hoạt động, mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân.
Ông Lê Công Lợi, Giám đốc HTX NN Thành Công cho biết: “Diện tích lúa bà con vẫn sản xuất hai vụ một năm. Trong đó, có khoảng 20ha vụ hè thu sản xuất chủ yếu “nhờ trời” do tình trạng xâm nhập mặn, năng suất chỉ 1,5-2 tạ/sào. Sau khi thu hoạch vụ hè thu, tận dụng thời gian “nghỉ đồng” 3,5 tháng, HTX tiến hành cho mở cống trổ nước vào những diện tích ruộng ven phá bị nhiễm mặn. Cho bà con đấu đồng thu hoạch tôm rảo, mang lại giá trị kinh tế cao”.
Ngoài diện tích lúa chính, những xứ đồng ven phá sau khi thu hoạch vụ hè thu, HTX tiến hành họp các xã viên để “đấu đồng”. Bình quân mỗi khoảnh (tùy theo diện tích) có giá từ 5 - 15 triệu đồng. Hiện HTX Thành Công có 22 xã viên đang đấu đồng chuẩn bị nuôi tôm rảo sau vụ hè thu.
Ông Trần Lân (đội 3, xã viên HTX Thành Công) phấn khởi: “Trước đây làm xong vụ hè thu, ruộng bỏ hoang, chờ mùa vụ mới. Bây giờ đấu đồng, gặt lúa xong, mở cống trổ nước vào, sau 3-4 tháng, tôm đạt kích thước, có thể xuất bán. Bình quân mỗi khoảnh mỗi hộ gia đình đấu tôm kiếm được vài chục triệu đồng”. Hộ ông Lân đấu 3,5ha ruộng để nuôi tôm rảo. Bình quân một ha sau khi thu hoạch tôm rảo ông kiếm được 10 - 15 triệu đồng.
“Trong khi các loại thủy sản khác gặp nhiều biến động, mô hình tôm rảo càng khẳng định giá trị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên một đơn vị diện tích. Sản lượng tôm đạt vài chục tấn/vụ, được thương lái tới mua lại chân ruộng. Bình quân mỗi kg có giá từ 90 - 100 nghìn đồng, mang lại thu nhập vài chục triệu đồng/hộ”, ông Hồ Công Trình, Phó Giám đốc HTX NN Thành Công, khẳng định.
Cần quy hoạch, quản lý
Ông Ngô Hải (Đội 4, HTX NN Thành Công) cho biết: “Cuối vụ hè thu vừa qua, gia đình tôi đấu 3 ha ruộng nuôi tôm rảo, sau thời gian trổ nước, tôm đạt kích cỡ cho thu nhập khá cao. Tuy nhiên, việc trổ nước vào sớm gây nguy cơ nhiễm mặn cho những khoảnh bên cạnh trong vụ tiếp theo”.
Sau khi thu hoạch lúa xong, có thể trổ nước vào nuôi tôm rảo
Ông Hồ Công Trình, cho rằng, để phát triển mô hình nuôi tôm rảo, cần kiên cố lại kênh mương, có khung lịch thời vụ rõ rang, đảm bảo lợi tích hài hòa giữa trồng lúa và phát triển nuôi trồng thủy sản.
Ngoài 15 - 20ha ruộng hàng năm cho đấu đồng để triển khai mô hình nuôi tôm rảo, HTX Thành Công cũng chuyển 2,6ha ruộng ở xứ bàu thấp sang nuôi tôm rảo và nuôi xen ghép. Ông Lê Công Lợi, chia sẻ: “Tạo điều kiện cho các hộ dân sản xuất, HTX đã thành lập mô hình quản lý nuôi tôm rảo. Các hộ dân ngoài bảo vệ trên khoảnh tôm mình đã đấu, còn tích cực tuyên truyền không đánh bắt hủy diệt, sử dụng xung điện, ảnh hưởng các loại thủy sản khác”.
Ông Lợi cũng cho biết thêm, về lâu dài, cần có quy hoạch cụ thể vùng nuôi tôm rảo. Đây là loài thủy sản có giá trị kinh tế khá cao, quá trình nuôi không tốn chi phí, đầu ra ổn định. Tuy nhiên, nuôi tôm rảo mới dừng ở góc độ thí điểm trên một số diện tích. Cần quy hoạch, quản lý bài bản để phát triển hài hòa giữa mô hình này với việc đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.
“Ngoài mô hình nuôi tôm rảo, hiện địa phương đang phối hợp với Trạm Khuyến Nông lâm ngư Quảng Điền, đưa vào thử nghiệm 4ha lúa giống chịu mặn TR145 trên những xứ đồng thường xuyên bị xâm thực hàng năm. Trước đó, bước khảo nghiệm 4 sào giống lúa này đã cho kết quả khả quan, giúp nhiều xứ đồng “sống chung” với tình trạng mặn xâm thực”, ông Nguyễn Hữu Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết.