Ông Hồ Thanh Tuấn, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, cho rằng: “Trước tình hình giá tôm giảm mạnh như hiện nay, huyện đã đưa ra nhiều phương án để bà con nuôi tôm nghiên cứu và lựa chọn. Nếu tôm nuôi không đạt kích cỡ thì bà con nên thu hoạch sớm để không bị lỗ vốn. Nếu tôm đang ở giai đoạn khoảng 50 con/kg thì nên để tôm đạt cỡ khoảng 30 - 40 con/kg mới thu hoạch. Bởi, cỡ tôm này sẽ bán với giá khoảng 200.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân vẫn có lãi”.
Từ giữa tháng 6/2019 cho đến nay, giá tôm nguyên liệu liên tục rớt giá khiến cho nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh đứng trước một vụ nuôi thua lỗ. Nhiều hộ đã tính đến chuyện “treo ao” chờ giá khi giá tôm ngày càng lao dốc.
Hiện nay, giá tôm thẻ chân trắng tại Bạc Liêu loại 100 con/kg được các thương lái thu mua từ 72.000 - 74.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo tính toán của nhiều hộ nuôi tôm, để có 1kg tôm thịt (loại 100 con/kg) thì chi phí khoảng 80.000 đồng/kg (nếu nuôi theo mô hình công nghiệp chi phí khoảng 85.000 đồng/kg). Như vậy, mỗi ký tôm bán trong thời điểm này, bà con lỗ khoảng 10.000 đồng/kg.
Ông Phùng Văn Sơn (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) - người nuôi tôm công nghiệp, cho biết: “Đầu vụ thì thời tiết nắng mưa bất thường làm cho tôm nuôi bị thiệt hại. Nay sắp đến ngày thu hoạch thì tôm liên tục rớt giá. Tôi và nhiều người nuôi tôm chỉ mong giá tôm tăng lên chút đỉnh để bán. Xong vụ này rồi chờ xem giá cả thế nào mới tính đến chuyện nuôi tiếp”.
Bên cạnh những hộ có tôm nuôi trong cỡ thu hoạch thì những hộ mới thả tôm nuôi dưới 2 tháng tuổi cũng không khỏi lo lắng khi giá tôm sụt giảm. Bởi, với giá tôm như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí (con giống, thức ăn, thuốc xử lý môi trường ao nuôi, và nhất là khi giá điện tăng cao như hiện nay) thì lợi nhuận gần như không có, thậm chí bị lỗ nặng nếu tôm nuôi gặp sự cố, phải thu hoạch sớm.
Anh Phạm Văn Chiến (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Chi phí nuôi tôm đều tăng gấp đôi so với những vụ nuôi trước, trong khi đó giá tôm lại giảm, như vậy thì người nuôi tôm coi như trắng tay. Mong sao Nhà nước có chính sách bình ổn giá cả cũng như tìm đầu ra ổn định cho con tôm để nông dân yên tâm sản xuất”.
Theo VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam), tình hình xuất khẩu thủy sản của một số doanh nghiệp đang gặp khó ở khâu chi phí do phải gồng gánh nhiều khoản phí tài chính đầu vào từ tỷ giá, lãi suất, giá điện, giá nước, cước phí vận chuyển… Các lô hàng xuất khẩu thủy sản sang EU đang bị vướng một số quy định của Thông tư 02 của Bộ NN&PTNT về xuất khẩu thủy sản. Đây là một trong những nguyên nhân làm giá tôm giảm.
Đại diện Sở NN&PTNT cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt trên 160.000 tấn, tăng hơn 105% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do dịch bệnh xuất hiện trên tôm nuôi làm thiệt hại hơn 4.000ha, trong đó tỷ lệ thiệt hại trên 70% là 1.300ha. Giá tôm giảm sâu đã tác động rất lớn đến tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này và chỉ đạt 44,84% so với kế hoạch đề ra.