Con tôm đã đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL. Song ngành hàng này luôn phải đối mặt với thách thức như tình trạng bơm chích tạp chất, vận chuyển mua bán tôm tạp chất diễn ra âm ỉ ở nhiều nơi, làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ngành.
Ngăn chặn không xuể
Lúc 20 giờ 30 phút ngày 16-12, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh Bạc Liêu yêu cầu dừng và kiểm tra xe tải do tài xế Nguyễn So Đa (SN 1989, ngụ tỉnh Cà Mau) điều khiển, phát hiện trên xe có 27 thùng xốp chứa tôm nguyên liệu. Qua test nhanh, lực lượng chức năng phát hiện gần 400 kg tôm nguyên liệu trên có chứa tạp chất là Agar (rau câu) và CMC (phụ gia tạo đặc, tạo nhớt) nên thu giữ toàn bộ số tang vật trên.
Đây là một trong những vụ bắt quả tang xe chở tôm chứa tạp chất chuẩn bị tiêu thụ ở Bạc Liêu - địa bàn trọng điểm trong đường đi của tôm tạp chất. Điều đó cho thấy tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu ở các tỉnh ven biển ĐBSCL vẫn còn tiếp diễn. Thậm chí ngày càng tinh vi hơn qua thủ đoạn tuồn "hàng" vào cả xe khách để qua mắt lực lượng chức năng. Điển hình là vụ lực lượng CSGT tỉnh Bạc Liêu tuần tra phát hiện 1 xe khách chạy tuyến Cà Mau - Đà Nẵng chở 11 thùng xốp, bên trong có khoảng 300 kg tôm sú bị bơm chất Agar và CMC vào ngày 5-7-2019.
Trước đó gần 2 tháng (ngày 17-5), lực lượng CSGT đường bộ Công an tỉnh Bạc Liêu cũng phát hiện 1 xe khách từ Cà Mau đi Đà Nẵng vận chuyển 7 thùng xốp chứa khoảng 300 kg tôm có tạp chất. Ba ngày sau, lại tiếp tục phát hiện xe khách chạy tuyến Cà Mau - TP HCM vận chuyển 7 thùng xốp chứa khoảng 200 kg tôm có tạp chất là CMC.
Trong 3 năm gần nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã chủ trì phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Công an thành lập nhiều đoàn công tác liên ngành kiểm tra đối với 4 tỉnh trọng điểm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang. Qua hơn 600 đợt kiểm tra, các đoàn liên ngành đã phát hiện hơn 200 cơ sở, doanh nghiệp vi phạm với gần 40.000 tấn tôm có chứa tạp chất được thu giữ. Trong đó, tỉnh Bạc Liêu là địa bàn có số vụ vi phạm nhiều nhất.
Bà Phan Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: "Dù chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt nhằm ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm nguyên liệu có chứa tạp chất nhưng do địa bàn rộng, các cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu thủy sản nằm rải rác; nhiều cơ sở nằm ở vùng sâu, vùng xa nên rất khó trong công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm".
Muốn chặn đứng, phải đánh từ gốc!
Là người có nhiều kinh nghiệm nuôi tôm ở Bạc Liêu, ông Võ Hồng Ngoãn (TP Bạc Liêu) khẳng định người dân không bao giờ biến con tôm sạch mình làm ra thành tôm bẩn. Nếu người nuôi tôm bơm tạp chất vào tôm, thương lái sẽ phát hiện ngay và không bao giờ thu mua loại tôm này. Hành vi bẩn trên chủ yếu do bộ phận tư thương và doanh nghiệp thực hiện.
"Vì lợi nhuận quá khủng, có cầu mới có cung. Tôi theo dõi vấn đề này nhiều năm nay, lâu lâu chúng ta "chộp" một vụ, toàn những cơ sở nhỏ lẻ. Những cơ sở này làm cho ai, chúng ta đều biết. Cứ quản lý từ ngọn sẽ còn hoài. Muốn chặn đứng phải đánh từ gốc. Không có doanh nghiệp tiêu thụ tôm tạp chất thì tôm tạp chất bán đi đâu? Quản lý được từ gốc tự nhiên vấn nạn trên sẽ chấm dứt" - ông Ngoãn quả quyết.
Theo một lãnh đạo Thanh tra Sở NN-PTNT Bạc Liêu, bơm tạp chất vào tôm là hành vi gian lận thương mại. Đường đi của tôm tạp chất chủ yếu được xuất qua Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. Thậm chí bộ phận thương lái Trung Quốc qua nước ta đặt hàng bơm tạp chất để mang về. Từ đó, vấn nạn trên mới nhức nhối như hiện nay.
Các địa phương chỉ quản lý được phần ngọn, có mạnh tay tới đâu cũng chỉ bắt được 1-2 vụ là bị đánh động. Sau đó, lắng xuống và đâu lại vào đó. Vị lãnh đạo thanh tra sở nhấn mạnh đến vấn đề kiểm nghiệm mẫu tôm để được xuất đi. "Bất kỳ ở vùng nào đều có các trung tâm kiểm định chất lượng. Vậy tại sao tôm tạp chất vẫn tồn tại được? Tôm nhiễm tạp chất không được cấp phép thì làm sao lọt qua hàng loạt chặng đường để đi ra nước ngoài được?" - vị này đặt vấn đề.