Thời gian qua, ngành hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn về rào cản thương mại từ các thị trường nhập khẩu, nhưng các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu vẫn nỗ lực đáp ứng các yêu cầu khắt khe để thâm nhập các thị trường như Australia, Mỹ, châu Âu…
Trong nước các doanh nghiệp cũng gặp phải tình trạng thiếu tôm nguyên liệu, nhưng nhờ nỗ lực trong 7 tháng qua đã xuất được lượng hàng trị giá 2 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù trong 3 tháng đầu năm 2017, ngành chế biến xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu, nhưng trong 4 tháng tiếp theo đã có bước nhảy vọt về tăng trưởng xuất khẩu. Đây là tín hiệu khả quan cho toàn ngành tôm Việt Nam nói riêng và ngành chế biến xuất khẩu thủy sản nói chung.
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại thủy sản Thuận Phước cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành tôm đối diện với thách thức từ thị trường Australia, đó là lệnh cấm nhập khẩu tôm chưa nấu chín từ Việt Nam. Điều này làm cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm gặp khó khăn, giảm kim ngạch xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến cả ngành tôm.
Nhưng đến ngày 30/6/2017, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Australia đã có thông báo số 64/2017 về bãi bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm chưa nấu chín từ Việt Nam. Thông báo có hiệu lực từ ngày 6/7/2017. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng vọt nhờ một số lượng lớn được vào thị trường Australia.
Và mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã xem xét lại quá trình đánh giá hành chính lần thứ 9 (POR 9) đối với sản phẩm tôm Việt Nam. Cụ thể là sản phẩm tôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ tháng 2/2013 đến tháng 1/2014. Từ đó công bố phán quyết mức thuế chống bán phá giá tôm chính thức cho Việt Nam trong giai đoạn này là 1,42% thay vì là 1,16% như trong giai đoạn tạm thời 2013-2014.
Từ đó cho thấy, mức thuế này ngày càng tăng khi mức sống của người dân Mỹ tăng cao, ý thức xã hội tốt hơn và cũng chính là cách để Mỹ bảo hộ nền sản xuất trong nước. "Khi các doanh nghiệp Việt Nam đàm phán khéo léo thì vẫn vượt qua được các rào cản thương mại và thuế chống bán phá giá của Mỹ, thu lợi nhuận cao", ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP chia sẻ.
Theo ông Trương Đình Hòe, ngành tôm của Việt Nam đã xuất khẩu đi hơn 100 quốc gia trên thế giới. Việc giữ vững những thị trường này là điều cần thiết của ngành. Do đó, nguồn nguyên liệu để phục vụ cho chế biến và xuất khẩu rất quan trọng. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính này thì phải đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm tôm chế biến để cung ứng cho khách hàng.
Không những vậy, sản lượng tôm của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới đã chiếm 45% sản lượng tôm toàn cầu. Đây là một cơ hội rất lớn cho ngành tôm Việt Nam. Ngành tôm phải biến những cơ hội này thành hiện thực bằng phương pháp thay đổi cách thức sản xuất và tư duy bán hàng so với hiện nay.
"Trên thực tế, Việt Nam chưa thực hiện được nhiều chuỗi liên kết trong ngành tôm, để doanh nghiệp đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc con tôm đạt chất lượng và cạnh tranh bằng chất lượng với khách hàng thế giới", ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế và nuôi trồng khai thác thủy sản bến vững (ICAFIS) nhấn mạnh.
Theo ông Trần Văn Phẩm, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, ngành tôm Việt Nam còn phải đầu tư thêm về công nghệ, thiết bị cho việc nuôi tôm nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến. Đây là yếu tố quan trọng để cung cấp nguồn nguyên liệu sạch cho ngành chế biến, xuất khẩu tôm.
Không những vậy, các doanh nghiệp cũng rất cần diện tích lớn để tổ chức sản xuất theo quy mô, trang trại mới giảm được chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng, mới thu được lợi nhuận cao nhờ vào quy mô lớn này.
Với tình trạng tôm nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu hiện nay chưa đủ để cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất, Tổng cục Thủy sản đã thực hiện hàng loạt chủ trương của Chính phủ về phát triển ngành tôm.
Điển hình như đề xuất và thực hiện các dự án nuôi tôm thẻ chân trắng hữu cơ tại 7 vùng sinh thái tổng hợp toàn quốc; trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng hữu cơ tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An và dự án nuôi tôm sú sinh thái tại các tỉnh ven biển, tập trung nhiều nhất là tại 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.
"Song song với các dự án này, Tổng cục Thủy sản cũng thực hiện xây dựng thương hiệu sản phẩm tôm, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và tiến hành chuyển giao công nghệ nuôi tôm cho các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng cao, giảm thiểu thiệt hại từ rủi ro dịch bệnh cho người nuôi, mang đến nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ xuất khẩu", ông Vũ Duy Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Quan hệ quốc tế, Tổng cục Thủy sản cho biết.