Bất chấp ngăn cản, cá tra Việt Nam vẫn gia tăng tại thị trường Mỹ - Ảnh: Bảo Ngọc
Nhật báo Phố Wall ngày 21/6 đưa tin, một cuộc bỏ phiếu gần đây đã diễn ra tại Thượng viện Mỹ nhằm chấm dứt chương trình tốn kém và vô nghĩa hướng vào nhập khẩu cá da trơn.
Các nhà sản xuất cá da trơn nội địa Mỹ đã nỗ lực trong nhiều năm qua để ngăn cản đối thủ cạnh tranh Việt Nam cung cấp sản phẩm giá rẻ hơn vào thị trường Mỹ. Cá tra, basa Việt Nam và cá da trơn Mỹ có kết cấu và mùi vị giống nhau mặc dù là đây là hai loài hoàn toàn khác biệt nhau.
Các nhà sản xuất cá da trơn Mỹ đã thuyết phục Quốc hội cấm các nhà nhập khẩu Việt Nam sử dụng nhãn hiệu cá da trơn hay còn gọi là “catfish” trên nhãn mác, bao bì đối với cá tra, basa Việt Nam, tạo điều kiện để ngư dân Mỹ cản trở cá tra, basa của Việt Nam vào thị trường Mỹ và sau đó thành công trong việc kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng nhập khẩu này.
Chính điều này đã khiến giới vận động hành lang Mỹ cố gắng đẩy trách nhiệm giám sát cá da trơn từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) (cơ quan đã thực hiện việc thanh tra cá catfish) sang cho USDA (những nhà quản lý chủ yếu liên quan đến an toàn thực phẩm các mặt hàng thịt).
Giới vận động hành lang lại một lần nữa yêu cầu USDA đưa cá tra, basa Việt Nam quay trở lại với vào danh mục “catfish” nhằm đưa mặt hàng này vào khuôn khổ các quy định hết sức ngặt nghèo. Mục đích chính là đưa các nhà sản xuất cá tra Việt Nam vào “bẫy” tăng chi phí sản xuất.
Tuy nhiên mới đây, các Thượng nghị sỹ Mỹ đã bỏ phiếu để hủy bỏ toàn bộ các điều khoản trong Dự luật Nông trại (Farm Bill 2008) về việc chuyển quyền quản lý các mặt hàng cá da trơn từ FDA sang USDA này.
Theo Thượng nghị sỹ John McCain, FDA đã đảm nhận vai trò giám sát cá da trơn rồi thì tại sao lại phải thành lập một Văn phòng Giám sát cá da trơn nữa trong USDA, bởi để thành lập văn phòng này trong USDA, Chính phủ Mỹ ước tính, sẽ phải tiêu tốn mất 30 triệu USD để phát triển chương trình này và thêm 14 triệu USD để vận hành hàng năm. Khoản chi tiêu này bị phung phí mà không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy cá tra, basa Việt Nam gây hại đến người tiêu dùng và không có chứng cứ khoa học nào chứng tỏ cá da trơn Mỹ hoặc cá tra, basa Việt Nam phải được quy định khác nhau khỏi các nhóm thủy sản khác.
Dự luật Nông trại sửa đổi này nhận được sự đồng thuận của đa số các nghị sỹ thuộc Thượng viện Mỹ vì cho rằng, đây là một chương trình vừa chồng chéo, vừa lãng phí, đặc biệt tại thời điểm cần phải kiểm soát và giảm chi tiêu của Chính phủ.
Thượng nghị sĩ John McCain và John Kerry dẫn đầu các nỗ lực để hủy bỏ dự luật bảo hộ cá da trơn nội địa này. Hai thượng nghị sĩ quan ngại, việc Mỹ cấm cá tra, basa có thể buộc Việt Nam “trả đũa” bằng cách cấm nhập thịt bò của Mỹ. Việt Nam là thị trường xuất khẩu thịt bò lớn thứ 5 của Mỹ.
Theo dự kiến, Hạ viện Mỹ sẽ sớm đưa ra bỏ phiếu về Dự luật Farm Bill này vào tuần tới. Nếu dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua, sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam sẽ không phải chịu sự kiểm soát phi lý của USDA.
>> Cho đến nay, không biện pháp nào ngăn cản được sự gia tăng về nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng Mỹ đối với cá tra, basa Việt Nam.