Như đã nói trong bài trước, Biển Hồ là một vựa cá đúng nghĩa. Cho nên, công việc đánh bắt cá của ngư dân ở đây khá nhàn hạ bằng việc đóng những lô cá ngay đầu cửa sông, nơi dòng nước ra vào Biển Hồ để hứng cá.
Cá của thần linh
Khi ánh trăng thượng tuần vừa nhô lên khỏi mặt nước Biển Hồ, cũng là lúc chiếc xuồng máy của anh Ba Toài đưa tôi ra đến khu vực cửa sông Chrai, nơi tập trung hàng chục lô hứng cá. Gió se lạnh, mấy bóng đèn điện treo trên hàng cọc lô lung lay, hắt ánh sáng xuống mặt sông đang lăn tăn ánh trăng.
Từ xa, hàng chục lô cá với những trụ cây lớn nhỏ, chĩa lên mặt nước lởm chởm, chăng ngang dòng Mekong dày đặc giống như bức tường thành kiên cố, chỉ chừa một lối nhỏ vừa đủ cho các loại thuyền bè qua lại. Có thể nói, lô cá là một khu quần thể bè nổi, rộng mênh mông và hết sức phức tạp gồm những trụ gỗ lớn chắn dòng nước, từng hàng các khối bè tre khổng lồ làm phao cho những ngôi nhà nổi của thợ cá trú ngụ.
Trên những ngôi nhà nổi ấy là một hệ thống lưới, dây thừng, xích, ròng rọc, cùng các phương tiện máy móc, máy bơm hút cá…
Lô cá trên Biển Hồ khá nhàn.
Anh Toài cho biết, vùng Kompong Chnang của Campuchia có nhiều lô đánh bắt cá nhất. Bình quân, mỗi năm sản lượng đánh bắt của một lô từ 3 - 4 ngàn tấn cá các loại. Ở mỗi lô cá có một chủ cai quản. Để được quyền khai thác, hằng năm các chủ lô cá phải đấu thầu. Sau đó nộp thuế cho nhà nước, tùy vị trí đẹp hay không mà tiền thuế tính ra tiền Việt khoảng từ 10-20 triệu đồng.
Tấp vào một lô cá, anh Toài giới thiệu chủ nhân tên Tám Hùng, quê An Phú, An Giang, năm nay 60 tuổi, một trong những người làm nghề lô cá lâu đời nhất ở đây. Trên chòi lô, đồ đạc sơ sài với vài bộ quần áo, vài chiếc chiếu nằm ngổn ngang.
Duy có chiếc bàn thờ thiên với hàng cờ màu sắc sặc sỡ mang đậm nét truyền thống của người Campuchia, bên trên có những vòng hoa, chén nước cúng, nhang khói thể hiện sự chăm chút khá tỉ mỉ.
Cá vừa bắt lên từ đáy lô chuẩn bị đãi khách trên bè
Thấy tôi nhìn chăm chú lên bàn thờ, ông Tám Hùng giải thích: “Đây là mình theo người bản xứ, họ tin đàn cá dưới nước kia là do thần linh đưa về để giúp con người. Phải có lòng tin tuyệt đối, thờ cúng và tỏ lòng biết ơn, nếu không thì thần linh sẽ không cho cá tôm về nữa.
Mỗi ngày bắt đầu lưới cá, thợ lô cá ai cũng phải cúng vái cẩn thận, cầu cho cá đi vào đúng luồng lưới của lô cá mới mong thu hoạch tốt. Khu vực bàn thiên và dãy chính nơi buông lưới của lô cá, và là khu vực cấm kỵ, đặc biệt là phụ nữ”.
Đến giờ cất lưới, tiếng kẻng trong chiếc chòi ông Tám Hùng gióng lên chói lói bên tai. Ngay tức thì, hai chiếc ghe nhỏ ngược dòng nước lên đầu lô, dùng khúc lồ ô lớn luồn dưới họng lưới gác đều lên hai chiếc ghe, ngay sau đó hệ thống ròng rọc chuyển động, kéo hai chiếc ghe lùa đàn cá mắc lưới xuống cuối lô.
Âm thanh trên lô cá lúc này chỉ có tiếng kẽo kẹt của dây chão, tiếng tí tách của hàng tấn cá đang vẫy vùng trong lưới. Khi lưới được kéo vào, từng con cá lóc bông to bằng bắp chuối nhảy tung tóe trong lưới.
Lô đánh cá lóc khác với các lô cá thông thường, hệ thống lưới phải có thêm một tấm lưới chặn để cá khi dính lưới khỏi nhảy văng ra ngoài. Mẻ này cá dính lưới ít, khiến thợ cá ai nấy mặt buồn xo.
Nếu trúng, mỗi lần thu hoạch lô, có thể đầy 1 khoang xuồng cá như thế này.
“Nghề cá ở đây nhàn hơn nhiều so với ở quê nhà, không phải dãi nắng dầm mưa, chỉ việc ngồi canh trên chòi, khi nghe có kẻng báo hiệu thì thay phiên nhau ra đầu họng lưới lùa cá xuống cuối lưới và dồn vào các khoang chứa.
Làm lô cá không cực công, mỗi lô trung bình hơn 20 thợ, mỗi ngày chia làm bốn ca, mỗi ca 6 tiếng, ai chưa tới phiên trực không phải làm thì ngủ…”, ông Tám Hùng nói.
Bán cá theo khối
Xuôi theo dòng sông hơn hai cây số, tôi lại tìm đến một lô cá khác có quy mô lớn hơn. Cả lô im ỉm, vắng bóng người, cập thuyền vào mới thấy mấy anh thợ cá khi biết dân Việt nên đon đả ra hỏi chuyện.
Thiện, vừa giặt mớ quần áo vừa tâm sự: “Trúng mùa thì có khi năm phút đã phải kéo lưới, nhưng dạo này thời gian ngâm lưới lâu hơn, nửa tiếng, một tiếng, nhưng sản lượng đánh bắt kém lắm. Mà cá kém quá, chủ lô buôn bán không có lời thì tụi tui cũng hết đường làm ăn…”.
Trong hệ thống các lô cá, ở mỗi cuối lô, dưới nước là khu vực rộng lớn dồn dày đặc các loại cá, cạnh đó có một chiếc máy nổ gắn ống to bằng thân người, được sử dụng để hút cá.
Do số lượng cá quá nhiều, người ta phải dùng đến chiếc máy tự chế này để bơm cá lên thuyền. Khoảnh khắc thu hoạch cá nhộn nhịp bao nhiêu, thì việc bơm cá lên thuyền lại rộn ràng, hối hả và vui mắt hơn nhiều. Khi ấy, hầu hết các thợ lô cá tập trung về cuối lô, chuẩn bị các dụng cụ, phương tiện cho việc bơm cá.
Chiếc cầu dao được nhắc lên, tiếng máy nổ xành xạch vang vọng cả mặt sông, các tay thợ dù đã quen thuộc với hình ảnh này mỗi ngày cũng phải lặng người nhìn ống xả to bằng thân người đang tuôn trào những dòng cá trắng muốt hút từ mặt nước xả lên một cái thùng lớn đóng bằng tre vuông vức.
Việc buôn bán cá ở đây không tính theo cân, mà tính thành từng khối, mỗi đợt bơm cá đầy khối của chiếc thùng tre sẽ có trọng lượng tương đương khoảng 800kg.
Cảnh đêm dưới bè lô cá
Người ngồi gác khối cá, khi cá đầy, công tắc điện ngắt, và chỉ một cú gẩy chốt nhẹ, cá trong chiếc thùng tuôn ào ào xuống ghe. Chúng tôi rời những lô cá khi trời đã hừng sáng. Đưa tôi vào bến, anh Toài tiếp tục dẫn tôi đến khu chợ ở bến Phé, thuộc tỉnh Kompong Chnang.
Đây là một trong 2 chợ cá đầu mối lớn Campuchia, tập trung hầu hết sản vật của Biển Hồ trước khi phân phát đi khắp cả nước Chùa Tháp. “Chợ này do những ngư dân Biển Hồ, họp từ 11 giờ đêm kéo dài đến rạng sáng, bán mặt hàng duy nhất là cá”, anh Toài nói. Bên trong chợ, hàng trăm người đang chen vai thích cánh, hối hả lựa hàng, trả giá.
Tiếng Campuchia, tiếng Việt xen lẫn, ồn ào, náo nhiệt lạ thường. Dưới bến nước, hàng ghe dài xếp san sát nhau thành một khu chợ nổi nhộn nhịp hơn, khách đi mua hàng tìm đến từng ghe, nhấc cái nắp nhìn xuống khoang thuyền soi ngọn đèn pin để lựa cá.
Đây là những chú cá đã qua tuyển lựa, sàng lọc, trọng lượng 4 - 5kg/con. “Cá này nhốt vài ngày cũng chả sao”, người bán hàng gốc Campuchia xách con cá lóc lên thuyết phục người mua bằng tiếng Việt bập bẹ.
“Hồi trước, người ta đánh bắt cá trên Biển Hồ vô tôi vạ, không ai quản lý nên nguồn thủy sản cạn dần. Cách đây 6-7 năm, Chính phủ Campuchia mới siết lại quy định là các lô cá được đánh bắt từ tháng 10 đến hết tháng 5 năm sau. Ngoài thời gian này, toàn bộ lô cá phải thu về hết, ai vi phạm sẽ bị phạt, tuỳ mức độ nặng, nhẹ, có thể phạt tù, tạm giam, đưa đi học luật bảo vệ môi trường tự nhiên và nộp tiền phạt. Họ làm nghiêm lắm chứ không làm nửa vời đâu. Cho nên, dù không thể bằng ngày xưa, nhưng nguồn thủy sản trên Hồ cũng tránh được nguy cơ bị tận diệt”, ông Tám Hùng, chủ lô cá nói.