Các hộ nuôi cá bè thuộc các phường: An Bình, Tam Hiệp, Tân Mai, Thống Nhất và xã Hiệp Hòa vẫn đang tìm cách trì hoãn, di dời, thậm chí còn xuất hiện thêm hàng chục hộ nuôi cá bè mới.
* Họp triển khai xong rồi… lại họp
Phương án sắp xếp lại làng cá bè ở TP.Biên Hòa để quy hoạch lại cho phù hợp với cảnh quan sinh thái trên sông Đồng Nai được triển khai gần 10 năm nay. Nếu tính trung bình mỗi tháng thành phố tổ chức họp một lần, đến nay đã có trên dưới 100 cuộc họp liên quan đến vấn đề này. Đây quả là con số không nhỏ đối với một dự án không quá lớn.
Những ngày cuối năm 2013, chúng tôi đi dọc theo sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai), đoạn thuộc các phường, xã: Tân Mai, Thống Nhất, Hiệp Hòa là khu vực tập trung nhiều bè cá. Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được, đó là tình hình nuôi cá bè ở khu vực này không có gì thay đổi so với năm 2005, thời điểm bắt đầu triển khai chủ trương di dời làng cá bè trên sông. Ở đây, người nuôi cá bè vẫn bình thản đối với việc lẽ ra phải di dời từ lâu. Không ít hộ đang hy vọng lứa cá xuất bán trong dịp tết sắp tới sẽ trúng đậm. Khi nghe hỏi về quy định không được nuôi cá ở những khu vực hiện tại, một nông dân (đề nghị giấu tên) liền cho rằng cách nay nhiều năm, các ban, ngành chức năng của thành phố cũng thông báo chuẩn bị di dời, nhưng đến nay vẫn giậm dân tại chỗ. Người này còn nói, đã có hàng trăm cuộc họp bàn để thống nhất phương án di dời, đồng thời giải quyết những thắc mắc, nguyện vọng của người dân, song cuối cùng vẫn chẳng có gì chuyển biến.
Những người mà chúng tôi đã gặp đều cho rằng, thói quen nuôi bè trên sông Cái lâu nay đã hình thành nếp sinh hoạt của người dân nơi đây. Do đó, một khi chuyển bè cá đi nơi khác sẽ đảo lộn việc làm ăn, sinh sống và chưa chắc nơi chuyển bè đến có được vị trí nuôi cá tốt. Điều này đã được nông dân kiến nghị nhiều lần, song không được giải quyết.
* Chậm di dời do đâu?
TP.Biên Hòa hiện có trên 800 bè cá của gần 400 hộ dân, tập trung nhiều ở những đoạn sông thuộc các phường: Thống Nhất, Long Bình Tân, Tân Mai, An Bình, Long Bình Tân và xã Hiệp Hòa,. Trong số này có gần 400 bè thuộc diện quy hoạch, còn lại phải giải tỏa. Phương án này dù đã được thực hiện việc bốc thăm cũng như cắm mốc, nhưng đến nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do người nuôi cá không hợp tác với ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương. Cụ thể, mỗi khi có đoàn kiểm tra đến làm việc thì “điệp khúc” chủ vắng nhà, người nuôi cá không có trên bè cứ lặp đi lặp lại suốt thời gian qua.
Nói về kế hoạch di dời làng cá bè trên sông Đồng Nai, ông Nguyễn Kim Phước, Trưởng phòng Kinh tế TP.Biên Hòa, cho biết đến thời điểm này chỉ mới có 5 hộ thuộc phường An Bình thực hiện đúng quy hoạch. Đối với những hộ này, thành phố hỗ trợ kinh phí di dời 900 ngàn đồng/hộ. Khó khăn nhất hiện nay là nhiều hộ không đồng thuận di dời, do đó họ tìm cách tránh mặt ngành chức năng trong quá trình thực hiện. Trong khi đó, việc phối hợp giữa các địa phương trong việc xác định chủ hộ vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử như khu vực ven sông Cái thuộc xã Hiệp Hòa có trên 80 hộ nuôi cá bè, thế nhưng chỉ xác định được 3 trường hợp có hộ khẩu tại địa phương, còn lại đến từ các phường khác, như: Tân Mai, Thống Nhất, An Bình. Điều đáng nói là việc thực hiện tổ chức di dời các làng cá bè trên sông Đồng Nai diễn ra quá chậm, do đó tại phường Long Bình Tân thời gian gần đây lại xuất hiện thêm hàng chục hộ nuôi cá bè mới.
Trước những khó khăn trong việc thực hiện sắp xếp, quy hoạch lại làng cá bè, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng khẳng định không thể kéo dài tình trạng này mãi. Theo ông Dũng, đã đến lúc phải làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo các phường, xã liên quan trong việc phối hợp thực hiện, vì thời gian qua một số địa phương đùn, đẩy trách nhiệm cho nhau.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng nhấn mạnh: Thời gian tới, địa phương nào để phát sinh hộ nuôi cá bè mới, gây cản trở đến tiến độ di dời các bè cá như quy hoạch thì lãnh đạo nơi đó phải kiểm điểm trách nhiệm. UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Kinh tế tập trung thực hiện các bước thủ tục liên quan đến chủ trương di dời làng cá bè theo quy định. Những hộ nào không chấp hành, có thái độ né tránh hoặc cố tình trì hoãn, sẽ tiến hành cưỡng chế ngay sau Tết Nguyên đán 2014.