Hội thảo nhận được sự quan tâm của bà con nông dân. Ảnh: Tepbac
Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 100 người nuôi tôm trên địa bàn cùng với sự góp mặt của nhiều công ty như CT TNHH Tép Bạc, CT CP Ambio, CT CP nhựa Tiền Phong, Công Ty TNHH Năm Sao Bông Gạo Vàng cùng Viện khoa học sức khỏe động vật và môi trường. Đây là những đơn vị đang dẫn đầu về ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nuôi tôm, đã mang đến hội thảo các thiết bị, máy móc, vật tư, thuốc hóa chất… để người nuôi tham quan tìm hiểu.
Quả thật là "trăm nghe không bằng một thấy". Ảnh: Tepbac
Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc TTKN TPHCM, cho biết ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số vào nuôi tôm là định hướng xuyên suốt của thành phố trong thời gian tới. Để làm được điều này, ông thông tin: “Thứ nhất, TTKN sẽ tập trung vào công tác thông tin tuyên truyền một cách hiệu quả, giống như hội thảo hôm nay, người dân phải tận mắt thấy, chứng kiến sản phẩm ứng dụng hiệu quả. Thứ hai, là phải có những mô hình cụ thể dưới sự hỗ trợ của nhà nước và doanh nghiệp, người dân được sử dụng công nghệ vào trong sản xuất thực tiễn để tự đánh giá, nhận thấy hiệu quả và mạnh dạn chuyển đổi dần”.
Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc TTKN TPHCM. Ảnh: Tepbac
Ông Trần Duy Phong- CEO CT TNHH Tepbac thông tin: “Tép Bạc kết hợp nền tảng giám sát và quản lý từ xa với hệ thống thiết bị tự động tại ao nuôi như máy đo môi trường tự động theo dõi liên tục, tủ điều khiển được đấu nối với các thiết bị ngoài ao được điều khiển từ xa qua điện thoại hoặc máy tính. Chúng tôi đã đưa công nghệ vào sản xuất một cách thực tiễn để người nuôi dễ dàng tiếp cận và sử dụng.”
Ông Trần Duy Phong- CEO CT TNHH Tepbac giải đáp thắc mắc cho bà con tại hội thảo. Ảnh: Tepbac
Ông Trịnh Đức Thuấn đã có 22 năm kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng cho biết hiện tại ông đã áp dụng máy cho ăn tự động, lắp đặt máy xử lý nước điện hóa và siêu âm… Có thể nói, ông là người tiên phong áp dụng công nghệ cao vào nuôi tôm tại địa bàn. Ông bày tỏ mong muốn những người nuôi khác cùng chuyển đổi để nâng cao năng suất và giảm thiểu tối đa vấn đề dịch bệnh, tránh ảnh hưởng môi trường cả vùng nuôi.
Người nuôi 4.0 có thể dễ dàng quản lý trang trại từ xa thông qua thiết bị thông minh. Ảnh: Tepbac
Thời gian sắp tới, Trung tâm khuyến nông TP.HCM sẽ triển khai các mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nuôi tôm theo Nghị định 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông. Theo đó, sẽ hỗ trợ 40% chi phí đầu tư theo nhiều nội dung, hạng mục đa dạng để giúp người nuôi dễ dàng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần đưa nghề nuôi tôm phát triển mạnh mẽ và bền vững.