Cảnh báo và khuyến nghị
a) Vùng nuôi tôm huyện Nhà Bè: Độ mặn thấp hơn giới hạn cho phép (0‰). Độ kiềm các khu vực thấp hơn giới hạn cho phép (20.5-21.5mgCaCO3/l). Đặc biệt các khu vực có chỉ số COD cao hơn nhiều so với giới hạn cho phép(3.76-5.68mg/l).
b) Vùng nuôi tôm huyện Cần Giờ: Hiện nay các chỉ số: pH, DO, NH4+-N, độ mặn đạt giới hạn cho phép nuôi tôm trừ khu vực xã Bình Khánh, xã An Thới Đông, xã Tam Thôn Hiệp, Cống T3 xã Lý Nhơn có độ mặn thấp hơn giới hạn cho phép (0-2‰). Chỉ số COD, TSS cao hơn giới hạn cho phép.
- Khuyến cáo:
+ Hiện nay đang vào mùa mưa, thường xuyên có những trận mưa lớn, dễ dẫn đến phát sinh dịch bệnh. Chỉ số COD và chất rắn lơ lửng TSS trong khu vực đều vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Chi cục khuyến cáo bà con cần quản lý chất lượng môi trường nước nuôi tốt, chú ý đề phòng sốc do môi trường, bà con cần đảm bảo mực nước trong ao cao nhằm ổn định nhiệt độ, chủ động phòng và trị bệnh cho động vật thủy sản;
+ Đối với ao đang nuôi: Chất lượng nước chưa phù hợp cho việc lấy nước vào ao nên hạn chế lấy nước, không nên cấp nước trực tiếp vào ao nuôi. Cần phải qua ao lắng để giảm hàm lượng chất rắn lơ lửng; xử lý mầm bệnh, diệt khuẩn bằng các hóa chất được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản (BKC, iodine,..) nhằm đảm bảo chất lượng nước phù hợp nhất trước khi đưa vào ao nuôi. Chú ý cần sử dụng hợp chất có chứa NaCl, Canxi để ổn định độ kiềm, độ mặn;
+ Đối với ao nuôi quảng canh: Nên thường xuyên theo dõi chất lượng nước theo khuyến cáo của cơ quan chức năng để có biện pháp lấy nước phù hợp thời điểm, các giải pháp xử lý kịp thời do nguồn nước có dấu hiệu nhiễm khuẩn;
+ Khi xảy ra mưa lớn kéo dài người nuôi tôm cần: Bật tất cả hệ thống sục khí có trong ao khi trời mưa. Luôn luôn duy trì hàm lượng oxy hòa tan trong ao nuôi cao hơn 20% so với điều kiện bình thường; Xả bỏ lớp nước mưa trên bề mặt ao nuôi tôm sau khi có mưa lớn kéo dài; Kiểm tra pH trong khi trời mưa, nếu như pH giảm xuống quá thấp cần rải vôi quanh bờ ao và dưới ao; Ngưng cho tôm ăn trong điều kiện trời đang mưa lớn kéo dài. Bổ sung thêm vitamin vào thức ăn cho tôm nhất là vitamin C nhằm tăng sức đề kháng, chống sốc cho tôm khi thời tiết thay đổi.
+ Vệ sinh trang trại, lao động trong trại nuôi, cần hạn chế đi lại giữa các trại, bao lưới khu vực ao nuôi nhằm hạn chế sự xâm nhập của các ký chủ trung gian mang mầm bệnh (như cua, còng, tép)… Chú ý không sử dụng các sản phẩm có chứa hoạt chất là gốc thuốc trừ sâu như Cypermethrin... để diệt giáp xác;
+ Thường xuyên vệ sinh đáy ao, quản lý tốt môi trường nước ao nuôi.
c) Vùng nuôi nghêu huyện Cần Giờ: Khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên thả giống nghêu không rõ nguồn gốc; Nên thả nuôi mật độ từ 180-200 con/m2; cỡ giống nuôi từ 400-600 con/kg; Đối với nghêu đạt cỡ thu hoạch thì khẩn trương thu hoạch tránh thiệt hại xảy ra; Đối với nghêu chưa đạt cỡ thu hoạch thì chủ động san thưa không để mật độ nuôi quá dày; Có hiện tượng nghêu chết, tấp vào bờ, nhanh chóng thu gom xác nghêu trên bãi để tránh lây lan sang các cá thể nghêu còn sống. Trong trường hợp nghêu chết bị vùi dưới bãi, có biện pháp thu gom hợp lý, tránh làm ảnh hưởng môi trường sống của nghêu; Chú ý vệ sinh bãi nuôi nghêu sau khi thu hoạch (cào, xới, hoặc bơm rửa, sát trùng bãi nuôi...).
d) Vùng nuôi thủy sản huyện Bình Chánh: Hiện nay đang vào mùa mưa, thời tiết có nhiều biến động, biên độ giữa ngày và đêm lớn, nắng nóng vào ban ngày. Nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ và nhiễm khuẩn, đề nghị bà con không nên cấp trực tiếp nước vào ao nuôi, cần phải qua ao lắng để xử lý làm giảm ô nhiễm hữu cơ, ổn định chỉ số COD và diệt vi khuẩn bằng các loại hoá chất sát khuẩn được phép sử dụng như BKC, Iodine...