Bên cạnh việc khẩn trương hỗ trợ những hộ nuôi tôm bị thiệt hại do hạn, mặn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL tích cực triển khai nhiều giải nhằm giúp người nuôi tôm đạt hiệu quả cao trong các vụ tôm tới.
Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ việc có thể giảm thiểu được đáng kể thiệt hại trong nuôi tôm nước lợ nếu chủ động ứng phó với hạn mặn, ngành nông nghiệp cần tránh tái lặp sự lúng túng trong quản lý Nhà nước.
Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để nuôi tôm nước lợ đạt hiệu quả cao khi tình hình thời tiết diễn ra bất lợi như hiện nay? Theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, huyện trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, để nuôi tôm thành công, tốt nhất là nên né hạn, mặn, tránh thả nuôi lúc nắng nóng kéo dài như tháng 4, tháng 5. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị ao lắng, ao chứa nước để khi thả tôm nuôi mà gặp hạn, mặn kéo dài thì có thể chủ động nâng mực nước trong ao, hồ lên cao và thay nước khi cần. Nếu nước có độ mặn vượt hơn 20 phần ngàn thì bơm nước ngọt pha vào để hạ độ mặn.
"Nếu nâng mực nước lên cao thì phải chú ý oxy dưới đáy, nếu thấp thì phải tăng cường sục khí. Còn nếu không nâng mực nước lên được thì phải che lưới bên trên để giữ nhiệt độ 30-31 độ C là cao nhất, càng cao càng nguy hiểm," Nguyễn Văn Nhiệm lưu ý.
Theo bà Phan Thị Thu Oanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, hạn, mặn thời gian qua cho thấy, khó khăn lớn nhất là nguồn nước để cung cấp cho tôm. Do các hộ trong vùng còn nuôi tôm theo hướng đơn lẻ, mạnh ai nấy nuôi nên việc chủ động lấy nước cũng như phòng chống dịch bệnh không thuận lợi.
Vì vậy, bà Oanh cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để nuôi tôm thành công trong điều kiện hạn, mặn là cần tăng cường tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, do tình hình xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng tại ĐBSCL nên tính đến giữa tháng 5 này, tổng số tôm giống nước lợ sản xuất chỉ hơn 37 tỷ con, giảm hơn 20% so với cùng kỳ. Các tỉnh ĐBSCL chỉ chủ động được khoảng 40% con giống, số còn lại phải nhập từ các tỉnh miền Trung.
Do đó, các địa phương cần chủ động nguồn giống để bà con kịp thời thả nuôi khi mưa xuống; vừa đảm bảo cho vụ tôm đạt hiệu quả cao, vừa không ảnh hưởng đến vụ lúa.
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ con giống đã ương đủ lớn cho các hộ bị thiệt hại trong vụ nuôi vừa qua, ngành chức năng tỉnh này tổ chức hướng dẫn bà con nuôi tôm nhỏ trong vèo, khi mưa đến thì tôm cũng đủ lớn. Việc này sẽ tránh hao hụt và đảm bảo được vụ lúa tiếp theo.
Nông dân tỉnh Bạc Liêu thả tôm giống nuôi trong vèo chờ lớn thả ra ruộng
Các địa phương bị thiệt hại nặng như Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu… nắm chắc tình hình, tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu và kịp thời thông báo, hướng dẫn người dân về các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám lưu ý về hiện tượng La Nina có thể xảy ra sau El Nino. "Nếu như chúng ta không có giải pháp căn cơ và không có dự báo trước thì sau hạn mặn chúng ta phải đối phó rất là lúng túng với tình hình La Ni na tới đây. Nếu không củng cố bờ bao ngay từ bây giờ thì đến khi mưa lớn, lụt lớn thì chúng ta rất là lúng túng và tiếp tục sẽ bị thiệt hại," Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.
Về lâu dài, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu Tổng cục Thủy sản phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương rà soát, tổng kết các mô hình nuôi tôm hiệu quả, các kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn của các hộ, doanh nghiệp trong thời gian qua để phổ biến, thực hiện rộng rãi, nhanh chóng hoàn thành thủ tục trình Bộ thành lập Ban chỉ đạo chọn tạo giống tôm nước lợ./.