Thời gian qua, cách thức nuôi rắn ri tượng đã được nhiều hội viên trong tổ hợp tác trao đổi rút nghiệm, từ đó giúp hộ nuôi gặt hái được thành công từ mô hình.
Trước đây, ao nuôi 500m2 của gia đình ông Võ Minh Dũng ấp 17, xã Khánh An, huyện U Minh thường bỏ trống, ít khi sử dụng đến. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây nhờ được tham gia vào Tổ hợp tác nuôi rắn, ông Dũng đã mạnh dạn đầu tư 30 triệu đồng xây dựng ao nuôi và học hỏi kinh nghiệm để chăm sóc rắn ri tượng. Sau thời gian đầu nuôi thử nghiệm, vụ đầu tiên, ông Dũng thu lời gần 100 triệu đồng. Ông Võ Minh Dũng cho biết: “Loại rắn ri tượng này khá phù hợp với đồng đất nơi đây và dễ nuôi. Thời gian nuôi trung bình khoảng 2 năm rắn sẽ đạt trọng lượng từ 2 kg trở lên, tùy theo lượng thức ăn được cung cấp. Ngoài bán rắn thịt tôi còn bán rắn giống để kiếm lời. Hiện tại, tôi đang nuôi 80kg rắn giống, nếu rắn phát triển tốt như hiện nay thì đến thời điểm thu hoạch dự kiến sẽ có lời hàng trăm triệu đồng”.
Theo nhiều hộ nuôi cho biết, thời gian đầu rắn ri tượng dễ phát sinh một số loại bệnh nhưng khi nuôi lâu dài biết đặc tính và cách phòng tránh thì năng suất đạt rất cao. Thời điểm này, rắn ri tượng có giá dao động từ 270 – 350 ngàn đồng/kg rắn thịt. Riêng rắn giống, trung bình trong 1 năm (tùy theo điều kiện chăm sóc) một cặp rắn có thể sinh sản từ 30 – 40 con rắn con, 1 con rắn ri tượng con có giá 40 ngàn đồng.
Thời gian qua, cách thức nuôi rắn ri tượng đã được nhiều hội viên trong tổ hợp tác trao đổi rút nghiệm, từ đó nhiều hộ nuôi đã gặt hái được thành công từ mô hình. Thời điểm đầu tổ hợp tác nuôi rắn ấp 17, xã Khánh An, huyện U Minh chỉ có vài thành viên, hiện nay số thành viên đã được nâng lên gần 15 người. Tham gia vào tổ hợp tác nhiều thành viên còn được hỗ trợ vay vốn để mở rộng ao nuôi.
Ông Nguyễn Văn Út, ấp 17, xã Khánh An, huyện U Minh cho biết: “Các anh em tổ viên khi nuôi đều được ngành kiểm lâm cấp phép, nên rất thuận tiện trong trao đổi buôn bán sản phẩm ra các nơi trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, đầu ra rất ổn định nên tôi dự định trong thời gian tới sẽ xây thêm hầm, nuôi thêm rắn giống để bán rắn con kiếm lời”.
Ông Đỗ Thanh Lương, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất nuôi rắn ấp 17, xã Khánh An, huyện U Minh cho biết: “Từ khi được thành lập đến nay, các thành viên trong Tổ hợp tác luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ ngành chuyên môn trong việc hướng dẫn khoa học kỹ thuật để chăm sóc, phòng bệnh trên rắn và hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách để đầu tư phát triển mô hình. Hiện tại, ngoài nuôi rắn ri tượng, các tổ viên cũng bắt đầu học hỏi mô hình nuôi rắn ri cá để áp dụng. Tôi nghĩ rằng với sự liên kết chặt chẽ từ các tổ viên trong quá trình nuôi sẽ tiền đề quan trọng để chúng tôi gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới”.